Người dân Trà Cú gắn với làng nghề truyền thống
Trà Cú là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer, cách trung tâm tỉnh 34 km về hướng Tây Nam; huyện có 15 xã, 02 thị trấn, 124 ấp, khóm, diện tích tự nhiên 31.752,8 ha; dân số 156.341 người, trong đó dân tộc Khmer chiếm 62,88%. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp lúa nước, nuôi trồng thủy sản và một số người dân sống bằng ngành tiểu thủ công nghiệp. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh thông qua các chương trình, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, các chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư lớn vào địa bàn huyện tạo được hệ thống cơ sở hạ tầng khá toàn diện, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào; nông nghiệp chuyển dịch từng bước theo chiều sâu với mô hình làm ăn có hiệu quả thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Trà Cú.
Làng nghề đóng giường tre tại ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang.

Để thực hiện theo Đề án Bảo tồn và phát triển Làng nghề tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2014-2015, tầm nhìn đến năm 2020 với sự tập trung hỗ trợ thông qua các nguồn vốn của dự án, vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện Trà Cú đã tập trung đẩy mạnh công tác phát triển và bảo tồn làng nghề, nhất là các ngành nghề truyền thống ở 03 xã: Đại An, Hàm Giang và Hàm Tân.

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Trà Cú có 03 làng nghề (Làng nghề dệt chiếu, xã Hàm Tân; Làng nghề đan đát, xã Đại An; Làng nghề đóng giường tre, xã Hàm Giang) với  khoảng 2.456 lao động tham gia. Mỗi năm, sản xuất trên 70.000 đôi chiếu lác (đó làng nghề dệt chiếu tại ấp Cà Hom xã Hàm Tân); 30.935 sản phẩm bàn, ghế, giường, thang tre các loại (làng nghề tiểu thủ công nghiệp tại ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang); gần 700.000 sản phẩm đồ dùng sinh hoạt như: rổ, nia, sịa, mẹt, nơm, ky, sàng, thúng, hom ... và nhiều vật dụng khác để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, chứ không phải đan sản phẩm mô hình thu nhỏ phục vụ cho nhu cầu khách du lịch như bây giờ, đó là làng nghề đan đát tại ấp Giồng Đình, xã Đại An.

Theo ông Trì Cảnh, chủ cơ sở ở ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang cho biết: Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đã đầu tư vốn và các thiết bị máy móc cho tôi nên tôi và các thợ của làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở xã Hàm Giang chuyên đóng các vật dụng gia đình bằng nguyên liệu tre, tầm vông, nghề thủ công mỹ nghệ của người dân ở đây thường gắn với các sản phẩm truyền thống của quê hương; những năm trước đây, các thợ chỉ đóng sản phẩm phục vụ cho gia đình và khi có thời gian rảnh mới đóng bán ra ngoài thị trường, nhưng đến nay đã sản xuất ra các sản phẩm ngoài tỉnh. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình đã liên kết lại với nhau để sản xuất ra sản phẩm của làng nghề theo đơn hàng của các tỉnh và một phần chở đi bán cho các tỉnh như: Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh…

Về với Làng nghề đan đát tại ấp Giồng Đình, xã Đại An (hiện nay có 23 tổ hợp tác và 01 cơ sở); đây là một trong những làng nghề có sức phát triển khá mạnh, chủ yếu sản xuất sản phẩm phục vụ khách du lịch làm quà lưu niệm và để trưng bày. Nghề đan đát ở Đại An có truyền thống hơn 100 năm và được truyền từ đời này sang đời khác. Hiện làng nghề tham gia giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động tại địa phương. Trung bình cung ứng ra thị trường trên 700.000 sản phẩm và mang lại giá trị sản xuất chung của làng nghề trên hàng tỷ đồng. Theo hộ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở ấp Giồng Đình, xã Đại An, hiện nguồn nguyên liệu (tre, trúc) tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 30%, phần lớn nguyên liệu mua ở các tỉnh lân cận (Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang...); hiện thị trường tiêu thụ của Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An với các sản phẩm chủ lực như: cần xé, rổ, xà ngôm, thúng, ky, cà ná, giỏ tổ chim, xà nen, bình hoa, giỏ hoa, giỏ cá được bán trong và ngoài tỉnh. 

 

Công đoạn người dân đang thực hiện đan đát tại ấp Giồng Đình, xã Đại An.

Nói đến làng nghề truyền thống của huyện Trà Cú, không thể không nhắc đến Làng nghề dệt chiếu nổi tiếng của cô Hai Pho ở Cà Hom - Đó là làng nghề do cha ông truyền lại. Ngoài nghề làm ruộng, nương rẫy, bà con nông dân ấp Cà Hom này còn có nghề truyền thống dệt chiếu đã có hơn trăm năm nay. Mỗi năm, chiếu Cà Hom cung ứng ra thị trường trên 150.000 chiếc. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu cung ứng tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua mối lái bán lẻ, chỉ vài hộ có phương tiện mới chở chiếu đi các tỉnh khác tiêu thụ. Tuy nhiên, đây là nghề lúc nhàn rỗi việc đồng án, nhiều nông dân bắt tay vào nghề dệt chiếu giúp cho người dân nơi đây có thêm việc làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình. 

 

Nghệ nhân Ngô Thị Pho-người “giữ hồn” cho Làng nghề dệt chiếu Cà Hom, xã Hàm Tân đang hướng dẫn công đoạn dệt chiếu cho con cháu.

Nhờ có làng nghề, trong những năm qua đã thu hút được nhiều lao động tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hy vọng rằng, với các làng nghề truyền thống của huyện Trà Cú, cùng với sự quan tâm đầu tư của các ngành, các cấp những sản phẩm từ tiểu thủ công nghiệp sẽ phục vụ du khách và tăng thêm thu nhập cho người dân vùng quê Trà Cú ngày càng khởi sắc, góp một phần nhỏ làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cho địa phương.

Bài ảnh:  Kim Sơn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 188
  • Trong tuần: 2 385
  • Tất cả: 6332174
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang