Khuyến cáo về việc thay đổi cách tiếp cận để phòng, chống bệnh cúm gia cầm phù hợp, hiệu quả
Theo tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trà Cú, Sở NN&PTNT vừa có khuyến cáo về việc thay đổi cách tiếp cận để phòng, chống bệnh cúm gia cầm phù hợp, hiệu quả trên địa bàn huyện Trà Cú và tỉnh Trà Vinh.


Gia cầm nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình ở huyện Trà Cú (huyện nguy cơ cao), sẽ được tiêm phòng vaccine định kỳ do ngân sách tỉnh hỗ trợ.


Tiêm phòng vaccine cúm gia cầm tại hộ gia đình ở xã Tập Sơn, huyện Trà Cú.

    Theo đó, bệnh cúm gia cầm (thể độc lực cao và chủng virus có khả năng lây bệnh cho người) được xếp đầu tiên trong danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch theo Thông tư của Bộ NN&PTNT, điều này cho thấy tính chất nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm. Những năm qua, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn huyện Trà Cú và tỉnh Trà Vinh đã đạt được nhiều kết quả nhưng cũng vẫn còn một số tồn tại như: các địa phương mất nhiều thời gian xác định các vùng (dịch, uy hiếp, an toàn), phân định nguồn kinh phí phòng chống dịch,…Để khắc phục tồn tại vừa nêu, theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT,  Sở NN&PTNT khuyến cáo về việc thay đổi cách tiếp cận để phòng, chống bệnh cúm gia cầm phù hợp, hiệu quả như sau:


    Thứ nhất: Tổ chức lại việc phân vùng nguy cơ (cấp huyện, thị xã, thành phố) để có cơ sở xây dựng các biện pháp và bố trí các nguồn lực tổ chức các hoạt động kiểm soát, phòng chống bệnh cúm gia cầm phù hợp, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm dịch bệnh và tình hình thực tế của địa phương. Nguyên tắc huyện vùng nguy cơ cao dựa trên các tiêu chí: (1) Huyện giáp biên giới với các nước làng giềng; (2) Số ổ dịch cúm gia cầm (có từ 02 lần) xảy ra trên địa bàn cấp huyện trong 5 năm hoặc có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại huyện trong năm đánh giá chuyển đổi huyện nguy cơ; (3) Tỷ lệ lưu hành virus cúm gia cầm có khả năng gây ra dich bệnh ở gia cầm và ở người (H5, H7, H9) qua kết quả giám sát chủ động trong 05 năm hoặc có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại huyện trong năm đánh giá chuyển đổi huyện nguy cơ (có 02 lần); (4) Cơ cấu, tổng đàn gia cầm (bao gồm cả tổng đàn vịt), cụ thể: Trên 3.000 hộ chăn nuôi gia cầm, trên 100.000 con gia cầm, trên 100 hộ nuôi vịt, trên 11.000 con vịt. Các huyện không nằm trong tiêu chí trên là huyện vùng nguy cơ thấp. Theo nguyên tắc phân vùng vừa nêu, tỉnh Trà Vinh có các huyện/ thị xã/thành phố sau đây được xếp vào huyện vùng nguy cơ cao năm 2019, gồm các huyện: Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang và thành phố Trà Vinh. Huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải được xếp vào huyện vùng nguy cơ thấp năm 2019. Việc phân vùng huyện nguy cơ cao hoặc nguy cơ thấp sẽ được thay đổi hằng năm.


    Trên cơ sở phân vùng, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm cũng có sự khác biệt. Như, đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình ở huyện nguy cơ cao, được tiêm phòng vaccine định kỳ do ngân sách tỉnh hỗ trợ, nhưng ở huyện nguy cơ thấp thì không được hỗ trợ tiêm phòng vaccine định kỳ (Thời điểm hiện tại, tỉnh Trà Vinh đang thực hiện chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ dưới 50 con được ngân sách hỗ trợ vaccine, tiền công tiêm phòng). Về giám sát dịch bệnh bị động, chủ động thì tùy theo phân cấp, ngân sách huyện, tỉnh hoặc Trung ương sẽ chi trả cho kinh phí lấy mẫu, gửi mẫu, chẫn đoán xét nghiệm ở huyện nguy cơ cao; ngược lại ở huyện nguy cơ thấp thì doanh nghiệp, chủ cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh chi trả kinh phí cho giám sát lưu hành virus cúm gia cầm tại cơ sở an toàn dịch bệnh. Kinh phí do người dân tự đảm bảo: Chủ vật nuôi, cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo chi trả cho tiêm phòng vacine cúm gia cầm cho đàn gia cầm, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý ổ dịch.


    Thứ hai: Khi có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra, nếu như trước đây sẽ xác định khoảng cách vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng an toàn theo bán kính km tính từ ổ dịch để tiêm phòng, phòng chống; thường các địa phương lúng túng khi xác định bán kính các vùng, gây chậm trễ trong công tác dập dịch, kiểm soát dịch. Theo quy định mới, sẽ tổ chức tiêm phòng cho gia cầm khỏe mạnh tại ấp nơi xảy ra dịch; đồng thời, tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia cầm mẫn cảm tại các ấp chưa có dịch trong cùng xã, phường, thị trấn và các xã phường, thị trấn tiếp giáp xung quanh xã có dịch.


    Được biết, việc khuyến cáo thay đổi cách tiếp cận phòng, chống cúm gia cầm sẽ giúp huyện Trà Cú và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh kiểm soát tốt nguy cơ xảy ra và lây lan dịch bệnh cúm gia cầm; hỗ trợ cho cơ quan chức năng chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả hơn, sát với thực tế của huyện Trà Cú; quy định rõ ràng hơn về kinh phí phòng, chống dịch do tổ chức hoặc cá nhân chi trả, đặc biệt là giải quyết được vấn đề “gặp khó” xác định vùng chống dịch theo bán kính km. Bên cạnh đó, việc kiểm soát tốt cúm gia cầm còn tạo điều kiện cho huyện Trà Cú các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn dịch theo yêu cầu sản xuất trong thời gian tới.


Tin, ảnh: Thanh Tuyền

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 73
  • Hôm nay: 2729
  • Trong tuần: 46 973
  • Tất cả: 6281802
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang