ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 76 CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8/1945 -19/8/2021) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/1945 - 02/9/2021)

I. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam

1. Bối cảnh lịch sử và diễn biến:

Từ tháng 4-1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18-8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu...Ngày 25-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, trước hàng chục vạn nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2-9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.

2. Nguyên nhân thắng lợi:

- Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta, độc lập và tự chủ.

- Tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, không chịu sống mãi kiếp nô lệ của người dân mất nước.

- Chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh.

3. Ý nghĩa lịch sử:

-  Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt to lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

- Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

- Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị.

4. Một số bài học kinh nghiệm:

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại nhiều bài học quý báu, nổi bật là:

Bài học thứ nhất  có một Đảng tiên phong thật sự cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đường lối cách mạng.

Bài học thứ hai là Đảng ta đã biết chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, biết kiên quyết dùng bạo lực cách mạng, sử dụng bạo lực cách mạng thích hợp và đúng lúc.

Bài học thứ ba là Nghệ thuật chỉ đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chọn đúng thời cơ, ra quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc, tháng 3 - 1945 “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

II. Thành tựu 76 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước

1. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai với phương châm vừa kiến quốc vừa kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh.

Năm 1945-1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân chống thù trong, giặc ngoài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc: xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân; chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng Tháng Tám; thực hành sách lược khôn khéo, lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để đánh thực dân Pháp xâm lược, lúc thì hòa với Pháp để đuổi Tưởng, thực hiện nhân nhượng có nguyên tắc để triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo. Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến; vừa kiến quốc vừa kháng chiến dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

2. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được giải phóng nhưng đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới. Toàn thể nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa của cách mạng cả nước; cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trải qua nhiều giai đoạn, nhân dân ta phải lần lượt đối phó với các chiến lược chiến tranh tàn bạo, xảo quyệt của kẻ thù. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, qua 21 năm chiến đấu anh dũng (1954-1975), chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Đối với cách mạng ở miền Bắc, Đảng ta lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa (1954-1960); đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội (1961-1965); chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm nghĩa vụ hậu phương (1965-1968); khôi phục và phát triển kinh tế, không ngừng chi viện cho chiến trường miền Nam, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai (1969-1973); khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, ra sức chi viện cho miền Nam (1973-1975). Đối với cách mạng ở miền Nam, Đảng ta lãnh đạo đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, nhất là “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973) và “đánh cho ngụy nhào” (1973-1975). Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quốc tế, có tính thời đại sâu sắc.

3. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước vào thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung trí lực, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau 76 năm đất nước độc lập, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, coi đó là nhiệm vụ trọng yếu. Điều đó được khẳng định qua những thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới, đã làm cho thế và lực nước ta ngày càng lớn mạnh, cơ sở vật chất, kĩ thuật của nền kinh tế được tăng cường, môi trường hoà bình hợp tác được mở rộng, đó là cơ hội lớn để chúng ta tạo ra những bước phát triển mới. Nhà nước ta đã từng bước được củng cố theo hướng ngày càng trong sạch vững mạnh. Hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp liên tục được đổi mới. Quản lý nhà nước bằng pháp luật được bổ sung và tăng cường, các cơ chế chính sách để thực hiện và phát huy quyền dân chủ của nhân dân ở cơ sở được xây dựng và thực hiện có hiệu quả.

                                                    BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY TRÀ CÚ

 

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 204
  • Trong tuần: 2 401
  • Tất cả: 6332190
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang