ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023); thành tựu kinh tế - xã hội năm 2022 và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 (Tóm tắt)

I/ SỰ RA ĐỜI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM:

Thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đang trên đường phát triển mạnh, các nước tư bản phương Tây đua nhau xâm chiếm thuộc địa, tìm kiếm thị trường. Năm 1858, quân đội Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Từng bước thiết lập chế độ thống trị tàn bạo, phản động của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta, với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, nhân dân ta đã liên tiếp đứng lên đấu tranh chống lại thực dân xâm lược dưới ngọn cờ của các sĩ phu yêu nước như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và lớp sĩ phu yêu nước không tiếc máu xương, quật khởi vùng dậy, nhưng các phong trào đều bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và đều bị thất bại.

Trong hoàn cảnh ấy, năm 1911 với lòng yêu nước nồng nàn, một vốn kiến thức ban đầu và hai bàn tay lao động, mới 21 tuổi Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. Người đến với cách mạng Tháng Mười Nga, luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin và đến đây Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin con đường cứu nước: Muốn giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới ra khỏi ách nô lệ.

Từ giữa tháng 6 đến tháng 9 năm 1929 ở trong nước đã có 3 tổ chức Đảng lần lượt ra đời: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, 03 tổ chức Đảng này được hợp nhất lại, xác định chính cương và sách lược vắn tắt, từ đó đi đến cương lĩnh năm 1930. Vạch ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, ngày 03/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.   

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một móc son chói lọi đánh dấu bước ngoặc lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Vừa mới thành lập, Đảng đã phát động cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh vô cùng oanh liệt. Sau 15 năm được thành lập và 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trên toàn quốc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á. Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành các cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước ròng rã 30 năm, đánh thắng các kẻ thù xâm lược, xóa bỏ ách nô lệ, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Sau thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975, nhân dân ta tiếp tục nêu cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa khôi phục kinh tế vừa khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh; kịp thời tổng kết rút ra được những bài học trong vận dụng quy luật xây dựng CNXH. Trong lúc nhiều nước XHCN lâm vào khủng hoảng trầm trọng, ở một số nước, Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo,... các thế lực thù địch lợi dụng những sai lầm và khó khăn đó đẩy mạnh cuộc phản kích quyết liệt nhằm xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Đảng ta tiếp tục khẳng định theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh lãnh đạo Nhân dân đi lên xây dựng CNXH là con đường đúng đắn.

Ở Trà Cú, năm 1936 đã có đảng viên là đồng chí Châu Bửu Lập (Nguyễn Thăng Bằng) nhưng chưa có chi bộ. Trong thời gian này Tỉnh ủy Trà Vinh phân công đồng chí Trần Thành Đại (Ba Mới) về công tác tại Trà Cú.

Trước và sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 Trà Cú có khoảng 20 đảng viên. Đầu năm 1945 Tỉnh ủy Trà Vinh phân công đồng chí Đỗ Hải Hượt về chỉ đạo Trà Cú và xây dựng cơ sở, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng giới thiệu kết nạp vào Đảng. Tháng 3 năm 1946 các chi bộ đầu tiên được thành lập ở các xã: Ngãi Xuyên, Lưu Nghiệp Anh, An Thới (Đại An), Đôn Châu. Tháng 6 năm 1946 Huyện ủy Trà Cú được thành lập, Bí thư Huyện ủy đầu tiên là đồng chí Đỗ Hải Hượt. Giai đoạn này, Đảng bộ quyết định đánh địch bằng vũ trang và kết hợp chính trị, binh vận. Tháng 7 năm 1946 ta đánh giải phóng 8/9 xã. Ngày 19/12/1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Thông qua lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, như tiếp thêm sức mạnh, chớp thời cơ, một lần nữa Đảng bộ quyết tâm giải phóng huyện nhà. Sáng sớm ngày 31/12/1946 Trà Cú được hoàn toàn giải phóng, chính quyền về tay Nhân dân. Trà Cú là huyện tuy có chi bộ Đảng muộn nhất ở Trà Vinh nhưng là huyện giàu truyền thống cách mạng, là huyện đầu tiên của tỉnh Trà Vinh và ở Nam bộ được giải phóng sớm nhất.

Trà Cú thực hiện chủ trương tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968: Vào cuối năm 1967, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương cục và Khu ủy Tây Nam bộ, Trà Cú chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968. Về Đảng đến giai đoạn này huyện đã có hơn 300 đảng viên, các chi bộ đều đã trưởng thành trong công tác lãnh đạo và chiến đấu. Huyện có 4 chi bộ “tự động” công tác, đó là Long Hiệp, Đại An, Đôn Châu và An Quảng Hữu.

Đến ngày 10 tháng giêng năm 1968 âm lịch, ta chuyển hướng kế hoạch cũ, quyết địch lấy xã Phước Hưng làm xã trọng điểm để cắt đường giao thông của địch và lực lượng ta tập trung đánh đồn Trạm và đồn Long Trường. Đến ngày 12 tháng giêng ta tiếp tục bao vây bức hàng đồn Gò Nóp (Phước Hưng), địch đã đầu hàng và nộp cho ta toàn bộ vũ khí. Đây là thắng lợi lớn giải phóng hoàn toàn xã Phước Hưng. Thừa thắng, đến ngày 14 âm lịch lực lượng vũ trang của ta có quần chúng xuống đường hỗ trợ phá hàng loạt đồn như: Bà Tây, Bến Thế, Đôn Chụm, Leng (Tập Sơn) rồi chuyển sang giải phóng Sóc Tro (An Quảng Hữu) và giải phóng luôn xã Lưu Nghiệp Anh. Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, Trà Cú đã đẩy mạnh việc sử dụng “hai chân, 3 mũi” tiến lên bước cao góp phần vào chiến thắng chung của cả nước.

Với những chiến thắng trên, quân, dân Trà Cú vinh dự được góp phần vào 8 chữ vàng “toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công” của Trung ương tuyên dương cho tỉnh Trà Vinh.

Sang năm 1970, lực lượng vũ trang của huyện cùng với du kích xã chặn đánh bọn biệt động ngụy tại Trà Cú A (Ngãi Xuyên), đánh bọn bảo an, dân vệ đi càn ấp Búng Đôi, Rẫy, Xoài Lơ, Sóc Tro (thuộc An Quảng Hữu), đánh bọn bảo an tỉnh Vĩnh Bình 404 và dân vệ địch của du kích xã An Quảng Hữu tại cánh đồng Sa Keo.

Tháng 6-1972, có Công an tỉnh hỗ trợ, đơn vị quân địa phương huyện phối hợp với du kích xã Long Hiệp, diệt tên Kiên Mu - Ni từ tỉnh xuống thị sát cuộc càn quét lấn chiếm ở Long Hiệp. Sau đó phối hợp với du kích xã Hùng Hòa (thuộc huyện Tiểu Cần) công đồn, và địch có tăng viện đồn Ô Ven, ta đánh 03 trận tiêu diệt 50 địch, thu nhiều vũ khí, 01 máy PRC.25. Bọn địch hoảng sợ, bỏ đồn rút về quận lỵ Tiểu Cần.

Tới tháng 01-1973 Đảng bộ Trà Cú có 235 đảng viên (có 40 nữ, 68 đồng chí Khmer, 95 đảng viên hoạt động công khai hợp pháp).

Ngày 02-02-1975, địch tập trung 02 tiểu đoàn 404 và 522 bảo an, có đại đội quân cảnh tỉnh Vĩnh Bình và chi đội xe bọc thép M113 yểm trợ, cùng bọn dân vệ, cảnh sát Ngãi Xuyên, tất cả gần 400 tên, do tên Phước quận trưởng và tên thiếu úy Ân chỉ huy, kéo đến bao vây chùa Sóc Chà, để bắt các sư sãi tại đây đi lính.

Hôm sau (20-02), lực lượng sư sãi của 40 chùa trong huyện, tập hợp tại 03 chùa; Ba Tục (Long Hiệp), chùa Xoài Xiêm và chùa Kosla (Ngãi Xuyên), hình hành 03 mũi, mang theo gập gộc, kéo tời chùa Sóc Chà. Địch cho lính chặn tất cả các ngả, nhưng sư sải chống trả quyết liệt liên tục 08 đợt và kéo vô chùa Sóc Chà. Địch ném 04 trái lựu đạn, làm chết 02 sư sãi: Dương Sóc và Kim Sum và bị thương một số. Thi hài của hai vị sư không đưa đi hỏa tảng theo phong tục, mà được mai táng trước chùa Kosla (02 vị sư được công nhận là liệt sĩ).

Với những nỗ lực cuối cùng, khoảng 02 giờ sáng ngày 30 tháng 04, địch thu hết sức tàn, tung 2 đại đội của tiểu đoàn 522, 3 trung đội dân vệ và 1 trung đội thám báo phản kích ra Xoài Xiêm. Trinh sát của ta hướng dẫn các đơn vị chia làm 3 mũi từ lộ Xoài Xiêm vòng sau lưng địch, để tập kích. Nhưng khi vừa tới chùa Cũ vào lúc 10 giờ 45 ngày 30-04, thì có tin Dương Văn Minh, tổng thống chế độ Sài Gòn, ra lệnh cho quân lính buông súng ngừng bắn. Đến 11 giờ trưa, quân ta đã vào dinh Độc Lập, buộc Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng, giao chính quyền cho cách mạng.

Trong 2 cuộc kháng chiến ác liệt Trà Cú có 1.684 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Với thành tích vẻ vang đó, huyện Trà Cú đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 06 xã (Long Hiệp, Đại An, An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Tập Sơn và Hàm Giang) anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phong tặng và truy tặng cho 220 bà mẹ với danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 05 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 02 anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen khác cho cán bộ và nhân dân trong huyện.

II/ THÀNH TỰU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

1. Công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị:

Tổ chức đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên năm 2021 (Kết quả, có 08 chi, đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 15,38% (tăng 2,18% so với năm 2020); 562 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 14,25% (tăng 1,22% so năm 2020).

Quyết định kết nạp Đảng 103 đảng viên (đạt 103% nghị quyết), công nhận đảng viên chính thức 86 đồng chí, xóa tên trong danh sách đảng viên 15 trường hợp, cho ra khỏi Đảng 32 trường hợp; tặng Huy hiệu Đảng cho 48 đảng viên cao niên tuổi Đảng.

Phát triển mới 6.552 đoàn viên, hội viên, nâng lên 123.644 đoàn viên, hội viên, đạt 90,32% dân số trong độ tuổi (đạt 106,26% nghị quyết).

2. Lĩnh vực kinh tế:

Tổng giá trị sản xuất thực hiện đạt 12.108,02 tỷ đồng, tăng 16,63% so cùng kỳ (đạt 107,01% nghị quyết). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 3.615 tỷ đồng (tăng 865 tỷ đồng), đạt 101,26% nghị quyết. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57,6 triệu đồng/người/năm (tăng 8,6 triệu đồng), đạt 108,68% nghị quyết.

Công nhận mới 04 sản phẩm OCOP, đạt 200% nghị quyết; chuyển đổi 350,7 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang các hình thức sản xuất hiệu quả.

Tổng đàn bò hiện có 57.088 con, đàn heo 71.393 con, đàn gia cầm 2.083.100 con.

Khai thác thủy, hải sản 80.574 tấn (tăng 4.276 tấn), đạt 100,7% kế hoạch, thi công hoàn thành 105 hạng mục công trình thủy lợi, (đạt 139,2% kế hoạch), tổng kinh phí thực hiện 9,218 tỷ đồng.

Xây dựng 03 Ngãi Xuyên, Kim Sơn, Hàm Giang thực hiện cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, xã Tập Sơn đạt 09/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; xây dựng huyện đạt 01 tiêu chí nông thôn mới (tiêu chí 1), đạt 50% nghị quyết, nâng tổng số đạt 4/9 tiêu chí.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất thực hiện đạt 741 tỷ đồng (tăng 16,3%), đạt 105% kế hoạch. Phát triển mới 42 doanh nghiệp, đạt 140% nghị quyết. Thu ngân sách nội địa 76,35 tỷ đồng (tăng 19,9 tỷ đồng), đạt 140% nghị quyết.

3. Lĩnh vực văn hóa - xã hội:

Tiếp tục xây dựng thị trấn Định An và thị trấn Trà Cú đạt chuẩn đô thị văn minh (Đến nay, thị trấn Trà Cú đạt 8/9 tiêu ch, thị trấn Định An đạt 7/9 tiêu chí; công nhận xã văn hóa nông thôn mới (Công nhận xã Hàm Giang đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; nâng đến nay toàn huyện có 15/15 xã văn hóa nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch).

Thăm, tặng quà gia đình chính sách và hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng; bàn giao 64 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách và gia đình người có công với cách mạng. Tổng số tiền 12 tỷ đồng.

4. Công tác dân tộc, tôn giáo:

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: (có 1.770 hộ có nhu cầu hỗ trợ, tổng kinh phí 39,37 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân vốn vay chuyển đổi nghề cho 251 hộ, số tiền 11,52 tỷ đồng; dự án 3 dự kiến thực hiện 03 tiểu dự án, tổng kinh phí 13,18 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 10 hạng mục công trình, tổng kinh phí 11,02 tỷ đồng).

5. Công tác quốc phòng, an ninh

Giữ vững và tái công nhận 17/17 xã, thị trấn vững mạnh về quốc phòng - an ninh (đạt 100% nghị quyết). Có 100% xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự năm 2022.

Trật tự xã hội: Xảy ra 22 vụ. Tệ nạn xã hội: Triệt xóa 66 điểm đánh bạc thắng thua bằng tiền. Bắt quả tang 07 vụ buôn bán hàng cấm, tang vật thu giữ 9.150 bao thuốc lá nhập lậu. Phát hiện, bắt 16 vụ mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Tai nạn giao thông: Xảy ra 04 vụ, làm 04 người chết, bị thương 04 người, thiệt hại tài sản 11 triệu đồng,

III/ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2023

1. Chỉ tiêu kinh tế:

- Tổng giá trị sản xuất thực hiện đạt 13.953 tỷ đồng (tăng 15,24% so với năm 2022).

- Thu nhập bình quân đầu người 59,5 triệu đồng/người/năm.

- Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.850 tỷ đồng.

- Phát triển mới 35 doanh nghiệp.

- Xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

- Thu ngân sách nội địa 60 tỷ đồng.

2. Chỉ tiêu văn hóa - xã hội:

- Xây dựng thị trấn Định An và thị trấn Trà Cú đạt tiêu chí đô thị văn minh.

- Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học: Mẫu giáo 83%, Tiểu học đạt 100%, Trung học cơ sở đạt 98,5%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,67% (lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 33,77%); tạo việc làm mới cho 3.000 lao động; đưa 140 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều 1,71%, trong đó giảm 1,58% hộ nghèo vùng dân tộc Khmer (so với tổng số hộ Khmer).

- Xây dựng 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% Trạm Y tế xã, thị trấn có bác sỹ làm việc; có 13,21 giường bệnh/1 vạn dân (không tính giường trạm y tế); 6,08 bác sỹ/1 vạn dân.

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 94,91%.

- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt 22,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 3,5% lực lượng lao động xã hội.

- Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn đạt 99,56%.

3. Chỉ tiêu môi trường:

- Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 91%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đạt 77%.

- Tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó dân số sử dụng nước sạch đạt 76,5%.

4. Chỉ tiêu quốc phòng - an ninh:

- Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Có 90% xã, thị trấn; 95% cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự.

- Có 100% xã, thị trấn vững mạnh về quốc phòng - an ninh.

5. Chỉ tiêu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị:

- Có 100% chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy hoàn thành nhiệm vụ trở lên (80% hoàn thành tốt nhiệm vụ và 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ); 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Kết nạp 100 đảng viên.

- Củng cố, nâng chất lượng và tập hợp 85% dân số trong độ tuổi vào các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.

 BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 2 033
  • Tất cả: 6332979
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang