Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về vận động quần chúng với mô hình “Vận động nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường” của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh

Sự cần thiết phải xây dựng mô hình

    Ngày nay, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, để tăng năng suất, sản lượng cây trồng và vật nuôi, người nông dân thường xuyên sử dụng dư một lượng phân bón vô cơ; sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hóa chất tăng trọng,... quá liều lượng, dẫn đến sự tồn lưu trong đất và phóng thích ra ngoài không khí; các bao bì, chai, lọ,... khó phân hủy được vứt bỏ khắp nơi đã làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm. Do đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng nông thôn mới ở tiêu chí 17 về môi trường. Giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, không thể do một cá nhân hoặc chỉ do Nhà nước thực hiện, mà đòi hỏi phải cộng đồng trách nhiệm, Nhà nước và nhân dân cùng làm thì mới có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm một cách triệt để và hiệu quả.

    Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trưởng, nhằm nâng cao nhận thức và vận động triển khai trách nhiệm cộng đồng của nông dân trong việc bảo vệ môi trường, thì việc xây dựng mô hình “Vận động nông dân cùng chung tay bảo vệ môi trường” là việc làm cần thiết, cấp bách hiện nay và sẽ có khả năng nhân rộng trong thời gian tới rất lớn.



Nông dân tích cực bảo vệ môi trường

Xác định nội dung học tập và làm theo Bác

    Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Người luôn xác định bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sức khỏe, bảo vệ cuộc sống bền vững của con người, dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn luôn quan tâm dặn dò Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, vì sức khỏe là vốn quí nhất của con người. Con người có mạnh khỏe thì công việc làm mới có hiệu quả, chất lượng.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới vấn đề nâng cao nhận thức về môi trường cho tất cả mọi người. Người dặn rằng: Cần giáo dục rộng khắp cho nhân dân biết giữ vệ sinh. Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, làm cho đồng bào hiểu rõ: phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch. Người chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa lao động, vệ sinh và sức khỏe: Muốn lao động sản xuất tốt thì phải giữ gìn sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch.

Thực hiện tốt công tác dân vận, lấy dân làm gốc theo quan điểm của Bác để vận động và nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sức khỏe chính mình, gia đình mình và cho xã hội.

 Kế hoạch thực hiện mô hình

    Tổ chức tập huấn, tuyên truyền: mỗi huyện 100 cuộc/năm gắn với tập huấn phòng trừ sâu bệnh, khám bệnh lưu động trên cây trồng, triển khai các mô hình cánh đồng lớn,... nhằm hướng dẫn nông dân sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, cách xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, thu gom và bỏ chất thải rắn và các loại rác thải khác vào các hố chứa đúng quy định.

    Chọn 03 xã nông thôn mới để thực hiện mô hình công nghệ sinh thái: Ngọc Biên (Trà Cú), Hiếu Trung (Tiểu Cần), Thạnh Phú (Cầu Kè), diện tích 50 ha/mô hình trồng lúa. Tổng số hộ tham gia thực hiện mô hình là 300 hộ. Mô hình sẽ trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch khống chế côn trùng gây hại, bón phân đúng thời gian và đúng liều lượng.

    Xây dựng 24 hố chứa rác thải bảo vệ thực vật để thu gom rác thải. Minh bạch, công khai và công bằng trong việc triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng các hố chứa rác thải bảo vệ thực vật, việc thu gom, vận chuyển và tiêu hủy rác thải bảo vệ thực vật.

    Phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện khám sức khỏe cho nhân dân: Tại các xã Ngọc Biên, Long Hiệp, Hàm Giang huyện Trà Cú; xã Hùng Hòa,Tân Hòa,Tân Hùng huyện Tiểu Cần; xã Thạnh Phú, Tân An, Thông Hòa huyện Cầu Kè. Tổng số hộ tham gia là 650 hộ.

    Phát động các phong trào thi đua bảo vệ môi trường: Vận động nông dân tổng vệ sinh, thu gom chất thải, rác thải, chăm sóc, bảo vệ cây xanh; Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Tổng số hộ tham gia là 400 hộ. Phát huy vai trò nêu gương và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, người đứng đầu các cấp trong tổ chức thực hiện (cán bộ và gia đình phải đăng ký tham gia trước để vận động những hộ, gia đình khác cùng tham gia).

    Tổ chức thực hiện: Đảng ủy Sở giao nhiệm vụ này trực tiếp cho Chi bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quán triệt cho đảng viên, đoàn viên và người lao động trong đơn vị, đồng thời chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện theo đúng tíến độ. Trong quá trình thực hiện thường xuyên tổ chức kiểm tra và đột xuất báo cáo về Đảng ủy Sở biết và chỉ đạo.

Kết quả tích cực sau khi thực hiện mô hình:

    Tập huấn, tuyên truyền: 400 cuộc với 20.000 lượt người tham dự.

    Thực hiện 03 mô hình công nghệ sinh thái và bảo vệ môi trường ở các xã Ngọc Biên (Trà Cú), xã Hiếu Trung (Tiểu Cần), xã Thạnh Phú (Cầu Kè) với diện tích 50 ha/mô hình trồng lúa, có 300 hộ tham gia; đã tổ chức trồng hoa trên chiều dài bờ ruộng hơn 4.000 m, giảm phun thuốc trừ sâu từ 1-2 lần/vụ so với ruộng đối chứng phun định kỳ 4 lần/vụ (tiết kiệm 900.000 - 1.800.000 đồng/ha), bón phân đúng liều lượng, đã giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất 15%, góp phần tăng thu nhập và làm đẹp môi trường nông thôn.

    Xây dựng 24 hố chứa rác thải, thu gom, vận chuyển và tiêu hủy rác thải gần 2.700 kg.

    Phối hợp với Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời thực hiện khám sức khỏe cho 650 nông dân 02 xã Mỹ Chánh, huyện và xã Hàm Giang, huyện Trà Cú.

Tính khả thi, nhân rộng của mô hình

    Mô hình đã phát huy hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức của nhân dân, ý thức việc thu gom rác thải bảo vệ thực vật của người dân được nâng lên, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng lợi nhuận trong canh tác sản xuất nông nghiệp. Là mô hình áp dụng công nghệ sinh thái trên đồng ruộng, chi phí thấp, nông dân dễ ứng dụng, nên rất khả thi để nhân rộng tòan tỉnh và cả nước, trong đó có tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng chất các xã nông thôn mới được công nhận và tiếp tục công nhận thêm xã mới, tiến tới công nhận huyện nông thôn mới.

    Thông tư liên tịch số 05 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng là điều kiện pháp lý rất thuận lợi cho chương trình được tiếp tục nhân rộng.

 

Thanh Phong sưu tầm

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 148
  • Trong tuần: 2 108
  • Tất cả: 6332460
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang