Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo với mô hình “Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo” của Huyện ủy Châu Thành

Sự cần thiết, cấp thiết phải xây dựng mô hình

    Thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện Châu Thành từng bước đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn một số mặt hạn chế, nhất là chất lượng thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, áp dụng pháp luật có lúc, có việc thiếu chính xác; đề xuất biện pháp xử lý chưa sát với thực tế, tính khả thi chưa cao từ đó dẫn đến nhiều vụ, việc phải giải quyết lại nhiều lần; một số vụ việc kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm; tình trạng đơn, thư vượt cấp gia tăng chưa có giải pháp kéo giảm…Những tồn tại vừa nêu có nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

    Xác định tầm quan trọng của công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, huyện Châu Thành chọn và xây dựng mô hình: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo” là mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Xác định nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

    Đối với công tác tiếp công dân: Quan điểm lấy dân làm gốc được đặt lên hàng đầu và coi đó là một phương thức gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Trong tác phầm Sửa đổi lối làm việc Bác viết: Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định sẽ thất bại.

    Trong bài Sao cho được lòng dân đăng trên Báo Cứu quốc số 65 ra ngày 12/10/1945, Người chỉ rõ: Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Tại hội nghị cán bộ Thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Các ban thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy. Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta giải quyết nhanh, tốt chừng nào thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ cũng được củng cố tốt hơn.

    Lời dạy trên của Bác đã chỉ rõ hai nguyên nhân của khiếu nại: thứ nhất do là oan ức mà khiếu nại, thứ hai là do chưa hiểu chính sách, pháp luật mà khiếu nại. Từ ý nghĩa đó, liên hệ với thực tế hiện nay cho thấy, ở giai đoạn đầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (công tác tiếp dân) người cán bộ tiếp dân phải có trách nhiệm: lắng nghe ý kiến của người dân đến khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn, giải thích về pháp luật cho công dân và giải quyết nhanh, tốt vụ việc một cách thấu tình đạt lý. Như vậy, nếu làm tốt công việc ở giai đoạn này sẽ khắc phục được phần nào tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp hiện nay.

    Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

    Đối với người khiếu nại và việc khiếu nại: Người nhắc nhở: Đồng bào có oan ức mới khiếu nại. Có lẽ đây là điều căn dặn mà mỗi người cán bộ, công chức nói chung và cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nên luôn suy ngẫm; Người còn nói: Đồng bào chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Đó là cách nhìn toàn diện sâu sắc và khách quan về một vấn đề tưởng chừng như đơn giản. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ban hành cũng nhằm tạo điều kiện phát triển đất nước, đem lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Đó cũng chính là yêu cầu đòi hỏi đặt ra cho cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước phải làm cho nhân dân hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước.

    Đối với trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo: Khi người dân có điều gì oan ức mà khiếu nại và những khiếu nại đó được các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời và thỏa đáng thì người dân sẽ cảm thấy mình nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thấy mình được tôn trọng, mình là người chủ thực sự của Nhà nước, họ sẽ thấy gần gũi gắn bó, tin yêu chính quyền. Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu không những phải tiếp nhận mà các cấp chính quyền, các cán bộ, công chức “phải giải quyết nhanh, tốt” các khiếu nại đó. Với Hồ Chủ tịch, lợi ích của nước, của dân là trên hết, việc của dân là việc hàng đầu, những khiếu nại cần phải được xem xét, thậm chí người dân không kêu nại cũng phải chủ động kiểm tra để xem ý kiến người dân thế nào, có thiệt thòi, thắc mắc gì không.

    Một vấn đề nữa thể hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải quyết khiếu nại “sớm chừng nào, hay chừng ấy” là cần giải quyết khiếu nại ngay từ cơ sở, nơi phát sinh khiếu nại của dân. Tại hội nghị công tác thanh tra toàn miền Bắc ngày 05/3/1960, Người căn dặn “Các cô, các chú phải làm thế nào đừng để nhiều thư khiếu nại gửi thẳng đến Bác, vì các địa phương giải quyết không tốt nên họ phải đưa đến Bác”. Lời căn dặn đó là vô cùng thấm thía và đáng để chúng ta suy ngẫm về tình trạng đơn thư vượt cấp như hiện nay.

Kế hoạch, chương trình thực hiện mô hình

    Trong thực hiện nhiệm vụ cần vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhận thức đúng đắn về trách nhiệm, vị trí công tác của mình, dám nghĩ, dám làm và có trách nhiệm với quyết định của mình; chủ động học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, đổi mới phong cách trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, không ngừng nâng cao chất lượng nhiệm vụ được giao với phương châm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

    Thực hành liêm chính, chí công, vô tư trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong công tác tiếp công dân, thực hiện tốt các nguyên tắc: Tôn trọng nhân cách của mọi đối tượng; hãy nghe nhiều hơn nói; bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ, có tình, có lý; thông cảm với hoàn cảnh của từng đối tượng; kiên nhẫn, chờ đợi trong giao tiếp; biết cách chấp nhận trong giao tiếp,… để nắm bắt đầy đủ, chính xác tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của công dân nhằm hướng dẫn, giải quyết hoặc tham mưu lãnh đạo giải quyết kịp thời.

    Trong công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện tốt phương châm: Giải quyết sớm, giải quyết để yên dân chứ không chỉ giải quyết hết thẩm quyền, chú ý những mâu thuẫn nhỏ phát sinh ngay từ cơ sở, theo qui trình sau:

    Bước 1: Khi nhận được đơn, thư của công dân, trong thời hạn 05 ngày làm việc, phải sắp xếp gặp gỡ, tiếp xúc với công dân, để lắng nghe, làm rõ yêu cầu, bức xúc của công dân. Nếu công dân vì chưa hiểu rõ chính sách mà gửi đơn thì giải thích, hướng dẫn để công dân thông hiểu và tự nguyện rút đơn. Nếu công dân có oan ức mà gửi đơn thì thụ lý, thông báo thời gian giải quyết hoặc hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, để công dân yên tâm chờ đợi, không gửi đơn, thư vượt cấp gây tốn kém thời gian, tiền bạc của công dân.

    Bước 2: Sau khi tham mưu người có thẩm quyền để ra quyết định thụ lý đơn, tiến hành tham mưu giải quyết đúng trình tự thủ tục, đúng chính sách, pháp luật, thấu tình, chú trọng công tác đối thoại và giải quyết sớm hơn luật định ít nhất 05 (năm) ngày/vụ.

Hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực sau khi thực hiện mô hình

    Một là, Hạn chế đơn, thư của công dân;

    Hai là, Kéo giảm đơn, thư vượt cấp, không để phát sinh điểm nóng, đông người, phức tạp;

    Ba là, Giải quyết sớm yêu cầu, bức xúc, oan ức của công dân;

    Bốn là, Góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin, mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Khả năng ứng dụng, nhân rộng mô hình

    Mô hình này có khả năng ứng dụng và nhân rộng đối với thủ trưởng các cơ quan, ban ngành huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và thủ trưởng, người trực tiếp làm công tác tiếp công dân trong toàn tỉnh.

Thanh Phong sưu tầm

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 214
  • Trong tuần: 2 174
  • Tất cả: 6332526
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang