DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA PHNÔ OM PUNG (SIRIVANSARÀMA)
Chùa Phnô Om Pung (Sirivansaràma) hay còn gọi là chùa Long Trường, tọa lạc tại ấp Long Trường, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Chùa được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 543/QĐ-UBND ngày 15/3/2016.

 

Cổng chùa Phnô Om Pung (Sirivansaràma)

Chánh điện C hùa Phnô Om Pung (Sirivansaràma)

Ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Trà Cú đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh đòi giảm tô, giảm thuế, chống áp bức bóc lột của bọn địa chủ, thực dân phong kiến và tay sai. Do đặc thù Trà Cú là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer, để lãnh đạo nhân dân đấu tranh, Huyện ủy chủ trương vận động sư sãi trong các chùa làm cơ sở cho cách mạng, đồng thời phân công cán bộ trực tiếp bám dân phát động phong trào nổi dậy đánh địch. Chủ trương này được các vị sư sãi và nhiều chùa trong huyện ủng hộ, trong đó có sư sãi, phật tử chùa Phnô Om Pung tham gia.

Tháng 8 năm 1945, lực lượng Thanh niên Tiền phong, quần chúng nhân dân xã Long Hiệp và khoảng 30 vị sư của chùa Phnô Om pung, trong đó có sư cả Kim Nên đã dùng các loại vũ khí thô sơ như gậy gọc, tầm vông vạt nhọn, súng giả nổi dậy biểu tình thị uy rầm rộ và hô vang khẩu hiệu tiến vào nhà Việc của địch. Trước sức ép mạnh mẽ của quần chúng nhân dân và sự vận động tích cực, nhiệt tình của các vị sư, bọn Tề xã đã giao lại chính quyền cho cách mạng.

Tháng 9/1946, Chi bộ xã Long Hiệp đầu tiên được thành lập, Chi bộ đã tích cực vận động quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh đòi giảm tô, giảm thuế, chống áp bức bóc lột của bọn thực dân, địa chủ và tay sai; xây dựng lực lượng đoàn thể nòng cốt trong quần chúng, chọn các chùa Khmer trên địa bàn làm cơ sở nuôi chứa, bảo vệ lực lượng cách mạng, trong đó có chùa Phnô Om Pung.

Trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1950, tiểu đoàn 310 thuộc lực lượng quân khu 9 đánh trận Nômen, có sự tham gia của quân du kích địa phương, phật tử và sư sãi của chùa Phnô Om Pung. Lúc bấy giờ đồng chí Từ Ký Nhậm, Bí thư chi bộ đã đến chùa Phnô Om Pung bàn bạc với sư cả Kim Nên chọn chùa làm cơ sở hoạt động hợp pháp, làm nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và tổ chức vận động các vị sư sãi, quần chúng tham gia biểu tình chống bắt lính, đòi giảm tô, giảm thuế. Trong trận đánh này, lực lượng của ta đã giành thắng lợi, ta bắt hết lính và dẫn dắt hai tên chỉ huy ác ôn Thạch Phai và Thạch Bịt giải về chùa Phnô Om Pung để họp dân kêu án.

Tháng 4/1953, dựa vào bọn gián điệp chỉ điểm nên bọn địch phục kích và bắt được đồng chí Thạch Ngọc Biên đang trú ẩn trong tủ tại chùa Phnô Om Pung. Lúc này chúng tra tấn đồng chí trước sân chùa đến ngất xỉu. Thấy vậy, sư cả Kim Nên vận động các vị sư sãi trong chùa biểu tình để gây áp lực cho bọn địch. Trước áp lực của các vị sư và sự không khuất phục của người cán bộ đảng viên Khmer kiên trung nên bọn địch giải đồng chí về Tề xã. Sau đó chúng đã sát hại đồng chí một cách dã man ở chùa Chông Bát.

Do đã bắt được lực lượng cách mạng của ta trú ấn ngay tại chùa, nên bọn địch xem chùa là cái gai trong mắt, chúng luôn tìm mọi cách lùng sục, bắt bớ, bắn phá chùa. Cũng trong năm này chùa bị bắn cháy hoàn toàn, có 5 phật tử và 2 vị sư của chùa bị thương.

Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, lực lượng cách mạng gặp nhiều khó khăn, địch bắt bớ giam cầm nhiều cán bộ, tìm mọi cách cô lập gia đình kháng chiến. Tuy vậy, nhiều gia đình không ngại khó khăn gian khổ, chấp nhận hy sinh để nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng trong đó có sư sãi chùa Phnô Om Pung. Nhà chùa làm hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Đặc biệt, trong chính điện là nơi tôn nghiêm nhất, nhưng các vị sư đã không ngại nuôi chứa cán bộ trong hầm dưới tượng Phật Thích ca.

Hưởng ứng phong trào Đồng Khởi ngày 14/9/1960, nhân dịp lễ Sêne Đônlta, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy sư sãi, phật tử chùa Phnô Om Pung đã tham gia biểu tình kéo về tỉnh lỵ Vĩnh Bình đưa yêu sách đòi thả ngay Acha Lovis Saráth, Maha Phơ, chống bắt sư sãi, chống chế độ Ngô Đình Diệm. Tham gia đoàn biểu tình này, sư cả chùa Phnô Om Pung là sư Bân Suôl đã kêu gọi hết tất cả gồm 60 vị sư đang tu tại chùa và cùng nhiều bà con phật tử như: Trương Dừa (Tư Dừa), Thạch Phinh, Thạch Dịn, Thạch Thân, Thạch Chương, Thạch Hô, Thạch Cơi, Thạch Nịch, Thạch Kạnh, Thạch Nhịn, Thạch Cua…

Năm 1960, chùa Phnô Om Pung được lực lượng cách mạng chọn làm địa điểm in ấn nhiều loại truyền đơn, khẩu hiệu và nuôi chứa bảo vệ cán bộ cách mạng đóng tại chùa như: ông Võ Văn Tiếu, Lâm Văn Nương, Thạch Ngọc Két, Thạch Hong; Hồ Minh Tâm, Kim Ken, Trần Văn Sang, Thạch Tua, Maha Thạch Sa Búte, Thạch Kim, Thạch Chan…

Năm 1962, lượng cách mạng tổ chức công kích đồn Nô Đùng, Giồng Cao, Trà Sất C thu nhiều vũ khí và được về chùa Phnô Om Pung và chùa Tro Bras Bat cất giấu. Từ năm 1961 - 1965, chi bộ vận động nhường cơm xẻ áo và chia cấp ruộng đất cho nhân dân, chùa Phnô Om Pung cũng tích cực tham gia đóng góp “Lạc quyên” để cung cấp lương thực cho lực lượng cách mạng.

Để chuẩn bị tốt cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Các vị sư Thạch Nhưng, Trương Dừa, Thạch Phát của chùa Phnô Om Pung đã tích cực tuyên truyền vận động các gia đình binh sĩ kêu gọi chồng, con em bỏ súng ra hàng, về với nhân dân. Kết quả ta bao vây được 3 đồn, tiêu diệt 3 tên ác ôn, làm tan rã các đồn bót của địch, đánh phá đường giao thông một số tuyến hương lộ 25. Giai đoạn năm 1960 đến 1968, chùa Phnô Om Pung còn được Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh chọn làm Văn phòng do sư Kim Tốc Chơn làm Hội trưởng, sư Thạch Dụm làm Hội phó. Trong lúc này, tại chùa mở trường dạy học giáo lý, pali và các lớp phổ thông. Thông qua các lớp học này, các vị sư sãi và cán bộ cơ sở đã tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giải thích âm mưu thâm độc của kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng. Từ những lớp học này nhiều người sau đó trở thành những cán bộ chiến sĩ cách mạng.

Giai đoạn 1969 - 1971, Phnô Om Pung tiếp tục nuôi chứa bảo vệ nhiều cán bộ của xã, huyện và tỉnh như: Hồ Minh Tâm, Thạch Hai, Lê Văn Liễu, Thạch Sa Vane,  Thạch Khéte, Trần Văn Ơn, Kim Kem,  Huỳnh Văn Nở, Kim Sanh, Thạch Tua, Võ Văn Tiếu…

Tháng 3/1975, Tiểu đoàn 501 của tỉnh do đồng chí Nguyễn Phướt Dợt (Hai Trị) chỉ huy đánh vào tề xã Long Hiệp làm cho địch thiệt hại nặng. Trong trận này có một số gia đình phật tử của chùa Phnô Om Pung và lực lượng du kích địa phương như: Hai Tiếu, Thạch Khéte, Sáu Sa Vane, Ba Nhân, Tám Dài, Sáu Hùng, Ba Tọn.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, Chi bộ và các vị sư, bà con phật tử chùa Phnô Om Pung tiếp tục làm công tác binh vận, phát loa kêu gọi các gia đình vận động chồng con đang tham gia cho địch về với nhân dân. Tại đồn Sóc Ruộng, gần 50 vị sư của chùa Phnô Om Pung tham gia vận động. Kết quả bọn tề xã đã tự giao nộp vũ khí gồm 49 súng M79, 4 điện thoại (2 máy M1, 2 máy 25) và nhiều đạn dược. Đến 19 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 ta giải phóng hoàn toàn xã Long Hiệp.

Qua hai cuộc kháng chiến các vị sư sãi và phật tử bất chấp những khó khăn nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng và tham gia kháng chiến. Nhiều cán bộ cách mạng của xã, huyện, tỉnh và khu Tây Nam Bộ được nhà chùa nuôi chứa, bảo vệ an toàn sau này đã hoặc đang đảm nhận trọng trách trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước như: liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thạch Ngọc Biên; ông Thạch Minh Mẫn (Ba Thành), nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh, hiện nay giữ chức vụ Chủ tịch danh dự Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Dân tộc của Ủy ban Trung uơng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ông Sơn Tho (Chín Thành), nguyên Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cửu Long; ); ông Thạch Tua (Ba Tưa), nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Trưởng Ban Khmer Vận Trà Vinh; Kim Tốc Chơn, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Trà Cú; ông Võ Văn Tiếu (Hai Tiếu), Bí thư chi bộ; Lâm Văn Nương, Phó Bí thư chi bộ; Thạch Ngọc Két (Hai Két), chi ủy kiêm chính trị viên xã đội; Thạch Hong; Hồ Minh Tâm (Tám Dài), Trưởng Công an; Kim Kene (Tám Thành), Xã đội trưởng; Trần Văn Sang, Trưởng Ban binh vận; Maha Thạch Sa Búte; Thạch Kim; Thạch Chane; Ba Mai, cán bộ quân sự huyện và nhiều đồng chí khác.

Chùa Phnô Om Pung đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng đất nước.

Hoài Nam

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh)

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 45
  • Hôm nay: 5027
  • Trong tuần: 45 574
  • Tất cả: 6278089
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang