Di tích Lưu Cừ II
Di tích Lưu Cừ II nằm trên tọa độ 9042' vĩ độ bắc, 106011'15" kinh độ đông, cách thị xã Trà Vinh khoảng 32km thuộc ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú.

Cuối năm 1986 đầu năm 1987, cuộc khai quật di chỉ được tiến hành, qua khai quật đã làm xuất lộ chân diện của một kiến trúc đồ sộ bằng gạch.

Kiến trúc được xây có bình diện hình chữ nhật, chiều dài 31,20 m theo hướng đông tây, rộng 17,20 m theo hướng bắc nam, chiều cao hiện còn khoảng 1,50 m. Hướng đông là hướng chính có bậc thềm đi lên ở giữa, hai đầu có dạng bẻ góc vuông nhiều lần. Hai cạnh phía bắc và nam cân xứng, cạnh phía tây thẳng và vuông góc với hai cạnh bắc nam. Cấu tạo kiến trúc gồm hai phần chính : kiến trúc bên ngoài và kiến trúc bên trong.

Kiến trúc bên ngoài gồm tường móng kiến trúc bao ngoài, tường móng kiến trúc bao trong và những khối trụ hình vuông.

Tường móng kiến trúc bao ngoài phía đông là hướng chính, tường móng nằm ngay ở giữa dài 3,6 m, chiều rộng được xây theo dạng bậc thềm gồm ba bậc. Chiều dài theo hướng bắc nam, đầu bắc và nam bẻ góc vuông nhiều lần. ở đầu phía bắc tường móng bẻ góc vuông về hướng tây và bắc. Đầu phía nam tường móng bẻ góc vuông về hướng tây và nam. Có 20 góc vuông và 20 cạnh dài ngắn nằm cân đối nhau qua trục giữa đông - tây. Cạnh dài nhất là hai tường móng chính ở phía bắc và phía nam dài 25,40 m, hai cạnh ngắn nhất là 0,80 m. Chỗ cao nhất cao 1,20 m.

Trên những đoạn thẳng bẻ góc ở phía nam có xây gờ cột, trên mặt gờ cột của lần bẻ góc thứ ba và thứ tư có hình những bông hoa 4 cánh và hình kỷ hà. Gờ xây trên các đoạn thẳng bẻ góc lần thứ năm và thứ sáu có dạng hình hổ phù.

Tường móng phía bắc và phía nam trên các vách có xây 9 gờ cột. Các gờ cột nằm đối xứng nhau một khoảng rộng trung bình 1,80 m, trên mặt gờ cột gạch xây có hình hổ phù. Tường móng phía tây có tất cả 5 gờ cột. Xung quanh bên ngoài tường móng có 5 bệ gạch xây thành hình khối trụ vuông mỗi cạnh rộng trung bình 1,00 m. Những trụ gạch này nằm cách quãng đều nhau trên cùng đường thẳng song song với các tường móng kiến trúc ở phía bắc, tây nam của kiến trúc, trong đó có 2 trụ xây theo dạng hình bậc. Gạch xây trên cùng của các trụ là gạch khuyết tạo cho trụ gạch có hình vuông và gờ ở các góc.

Tường móng bên trong: Cấu tạo đường móng bên trong giống như đường biên bên ngoài nhưng bẻ góc ít hơn. Bậc tam cấp ở phía đông có 5 bậc, cao 1,20 m nằm cách đường biên ngoài 3,80 m. Đường biên móng của mặt thềm đi lên dài 3,10 m, mỗi đầu được bẻ góc vuông 6 lần đi về phía tây bắc và tây nam tạo thành bình đồ kiến trúc bên trong với 16 góc vuông và 16 cạnh. trong đó hai tường móng ở phía bắc và phía nam dài 23,75 m, tường móng phía tây dài 14,96 m, các tường móng phía đông từng cặp dài trung bình từ 0,85 m đến 3,10 m. Cao trung bình của các tường móng là 1,22 m, được xây theo lối  xiên choãi hình bậc thang, hàng trên thục vào so với hàng dưới tạo cho tường móng có dạng rộng ở chân và hẹp dần lên bề mặt. Chiều cao từ chân đến bề mặt tường móng cũng là mặt nền kiến trúc. Tường móng xây cân đối, hài hòa, dày, tạo thành hành lang bao quanh phần kiến trúc chính. Gạch xây có nhiều loại : gạch hình chữ nhật 26 x 15 x 7cm màu xám nhạt, gạch hình chữ nhật có một đầu xiên theo chiều dày tạo mặt cắt ngang viên gạch có hình thang vuông, gạch có một vai ở thân (theo chiều dày viên gạch), gạch hai vai ở đầu (theo chiều rộng), gạch có đầu cong nhọn về một bên, ... Tùy theo từng loại mà dùng để xây chân móng, xây mặt ngoài, xây gờ cột, góc cạnh, xây bậc thềm cho phù hợp.

Kiến trúc bên trong: Kiến trúc bên trong có dạng hình chữ nhật dài 17,5 m theo hướng đông tây, rộng 8,4 m theo hướng bắc nam, gồm hai phần : kiến trúc bên ngoài và kiến trúc trung tâm.

Kiến trúc bên ngoài là một kiến trúc hoàn chỉnh, gồm 14 ô vuông bằng gạch được xây cách quãng bao quanh kiến trúc chính. ở phía bắc và nam mỗi bên có 6 ô vuông, kích thước 2,20 x 2,20m. ở phía tây có 2 ô vuông, kích thước 1,40 x 1,40 m. ở phía đông từ bậc thềm đi lên là hành lang của đường móng rồi đến một sàn gạch có kích thước 3,50 x 1,95 m. Tiếp đến là một rãnh nhỏ lắp bằng cát dài 3,50 m, rộng 0,10 cm. Cuối cùng là một mặt bằng hình chữ nhật 3,50 x 2,30m. Mặt bằng này được chia thành hai phần bằng nhau : nửa phần phía nam được đấp cát trắng có chất kết dính, nửa phần phía bắc lát gạch. Các ô đều được xây vuông vắn ở phía trên, trong lòng lấp đầy cát màu xám trắng có chất kết dính.

Kiến trúc trung tâm là một bình đồ hình chữ nhật dài 11,30m theo hướng đông tây, rộng 3,10 m theo hướng bắc nam. Phần phía đông kích thước 3,10 x 3,60 m được lát gạch. Phần phía tây 3,70 x 3,10 m có cấu trúc hình trụ tròn, đường kính rộng 1,65 m được xếp bằng gạch vỡ và một số gạch nguyên màu đỏ cùng với cát màu nâu đỏ. Trụ tròn được xây chìm trong lòng kiến trúc sâu đến 2 m thì bị cắt ngang bởi một lớp cát trắng rồi tiếp tục ăn sâu xuống một đoạn 0,40 m. Phần ở giữa diện tích là 3,10 x 3,00 m là một mặt bằng được đấp bằng cát trắng lẫn cát màu đỏ cùng với một vài vỉa gạch đứt đoạn. Trong phần này, đào sâu 0,80 m cát chuyển sang màu trắng. Gạch xây ở kiến trúc trung tâm ngoài những viên hình chữ nhật còn có gạch hình tam giác, hình thang, đây cũng là khu vực có nhiều di vật được phát hiện như: Linga, yoni, ngẫu tượng Linga – yoni, ly, tượng, mảnh vàng…

Căn cứ vào những khác biệt của cách thức, vật liệu xây cất kiến trúc và di vật thu thập được cho thấy : Kiến trúc Lưu Cừ II là nơi thờ phụng đã trải qua hai giai đoạn kiến tạo và tồn tại sớm muộn khác nhau.

Giai đoạn đầu là nền móng bẻ góc ở trong và các bệ gạch hình khối trụ vuông xây ở ba mặt tây, nam, bắc bên ngoài. Giai đoạn sau là tường móng bẻ góc bên ngoài. ở giai đoạn này, bố cục kiến trúc thuộc giai đoạn sớm vẫn được kế thừa. Như vậy, hai giai đoạn kiến tạo nói trên có thể tương ứng với hai thời kỳ có sự thay đổi hoặc sự phát triển khác nhau về tôn giáo, tín ngưỡng.

Qua phân tích hai mẫu than tro lấy ở độ sâu và địa điểm khác nhau bằng phương pháp C.14 thì cho niên đại khác nhau. Mẫu thứ nhất lấy ở độ sâu 3,60 m cách mặt gò trong lòng trụ tròn ở phía tây kiến trúc chính có chỉ số niên đại 1870 + 45 BP, tức vào khoảng năm 85 của thế kỷ thứ I sau công nguyên. Mẫu thứ hai lấy ở độ sâu 1,60 m cách mặt gò trong lớp đất phía trên của khu kiến trúc trung tâm có chỉ số niên đại 1460 + 45 BP, tức vào khoảng năm 490 sau công nguyên.

Từ chất liệu kiến trúc, phong cách nghệ thuật, di vật, chỉ số niên đại C.14 cho chúng ta biết được hai thời điểm tồn tại của di tích Lưu Cừ II, trong đó, giai đoạn thứ I - Giai đoạn thiết lập kiến trúc khoảng thế kỷ thứ I sau công nguyên ; Giai đoạn thứ hai - Giai đoạn mở rộng kiến trúc vào khoảng thế kỷ thứ V sau công nguyên. Cùng thời gian này trên vùng hạ lưu sông Mê Kông, theo phát hiện khảo cổ học là thời kỳ hình thành và phát triển một nền văn hóa cổ nổi tiếng - Văn hóa Óc Eo.                  

Văn Tưởng

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh)

 

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 40
  • Trong tuần: 2 000
  • Tất cả: 6332352
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang