Làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân vào Xuân
Trong những ngày đầu năm mới 2016, chúng tôi có dịp về thăm làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân, công việc của các nghệ nhân nơi đây diễn ra khá nhộn nhịp, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm của làng chiếu truyền thống góp mặt vào thị trường trong những ngày Tết đến, Xuân về.


Nghệ nhân Ngô Thị Pho dệt chiếu hoa.


    Trong những ngày giáp Tết Bính Thân 2016 nhiều gia đình từ thành thị cho đến nông thôn đều chuẩn bị cho gia đình những đôi chiếu hoa mới, với những màu sắc, đường viền đã làm cho hình ảnh trên những đôi chiếu hoa của làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân trở nên rực rỡ hơn.


Nghệ nhân Ngô Thị Pho với sản phẩm “Chiếu hoa hai mặt”.

 

    Địa danh làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ thuộc xã Hàm Giang trước đây, nay được chia tách thành xã mới Hàm Tân và người dân nơi đây vẫn duy trì nghề dệt chiếu truyền thống có gần 100 năm nay, được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh công nhận làng nghề dệt chiếu vào tháng 12 năm 2014. Hiện làng nghề dệt chiếu Hàm Tân có khoảng 400 hộ sinh sống với nghề dệt chiếu truyền thống, qua đó đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động ở các khâu: trồng lát, sơ chế nguyên liệu lát, dệt và tiêu thụ. Mỗi năm làng chiếu Hàm Tân cung cấp ra ngoài thị trường khoảng trên dưới 150.000 đôi chiếu và công việc dệt chiếu của người dân nơi đây diễn ra thường xuyên; nhưng nhộn nhịp nhất là thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 02 tháng. Bên cạnh các sản phẩm là những đôi chiếu trắng được dệt hàng ngày, vào lúc Tết thì mặt hàng chiếu hoa hay còn gọi là chiếu màu được các nghệ nhân trong làng nghề dệt nhiều hơn. Bình quân mỗi ngày một gia đình có 02 người dệt được 01 đôi chiếu hoa khổ 2m x 1,6m, với giá bán hiện nay từ 80-100 ngàn đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 60-70 ngàn đồng. Sản phẩm chiếu hoa của làng chiếu Hàm Tân được nhiều người tiêu dùng biết đến và sản phẩm có mặt hầu hết ở các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để có một đôi chiếu hoa đẹp và bền, anh Thạch Khanh một nghệ nhân dệt chiếu ở ấp Chợ, xã Hàm Tân cho biết: Trước tiên phải chọn nguyên liệu là cây lát cho thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lát để phù hợp với khổ chiếu cần dệt. Lát được phân cỡ xong, rửa sạch; sau đó sẽ tiến hành vót lát bằng lưỡi dao thật sắc và nhỏ, công việc này đòi hỏi có nhiều thành viên trong gia đình tham gia mới đảm bảo được một lượng lát lớn đủ dệt trong nhiều ngày. Mỗi cọng lát sau khi vót và phơi khô, có kích cỡ to bằng khoảng chân nhan. Giai đoạn sử dụng màu để luộc những cọng lát phải đảm bảo được độ nóng của nước màu, lửa quá to hay quá nhỏ sẽ dễ làm cho lát bị chín nhừ hay không thấm màu.

        

    Hiện nay, nghề dệt chiếu hoa còn rất ít trong các gia đình làm nghề dệt chiếu truyền thống ở Hàm Tân, nguyên nhân do dệt chiếu hoa đòi hỏi sự công phu hơn dệt chiếu trắng. Tuổi thọ của chiếu hoa từ 04-05 năm sử dụng, nhưng vẫn đảm bảo chiếu không bị đổ lông, phai màu và giòn gãy; tuy nhiên hiện giá thành bán trên thị trường đối với chiếu hoa không cao lắm, nên không thu hút được nhiều người dệt chiếu hoa so với chiếu thường. Mặt khác việc dệt chiếu hoa chỉ tập trung rộ vào thời điểm cuối năm hoặc các dịp Tết cổ truyền của bà con người Kinh và Khmer.  


    Chiếu hoa được thể hiện qua 05 màu chủ đạo là trắng, đỏ, xanh, vàng và tím, hình ảnh hay hoa văn thường được các nghệ nhân chọn lựa rất công phu cho từng sản phẩm của mình, phù hợp với thị hiếu theo yêu cầu của từng khách hàng hoặc của các thương lái đến đặt hàng để đem bán về các tỉnh thành lân cận trong vùng. Đặc biệt, đối với chiếu hoa dệt 02 mặt, hiện nay tại làng nghề dệt chiếu Hàm Tân chỉ còn khoảng vài nghệ nhân là thực hiện được. Nghệ nhân Ngô Thị Pho đã ngoài 80 tuổi ở ấp Chợ, xã Hàm Tân là một trong những nghệ nhân còn giữ được “bí quyết” về kỹ thuật dệt chiếu hai mặt. Nghệ nhân Ngô Thị Pho cho biết: Hiện nay, bản thân còn đang lưu giữ 03 sản phẩm là những chiếc chiếu hoa hai mặt, trong này có 01 chiếc được dệt để dâng cho chùa làm phước với tiết tấu hoa văn là hình ảnh 05 ngôi chùa tháp khổ 4 mét x 01 mét; để có được sản phẩm này, nghệ nhân Ngô Thị Pho phải mất gần 03 tháng trời miệt mài từ khâu chọn lát, vót và xử lý màu…bình quân để có 01 mét chiếu sẽ cần khoảng 700-800 sợi lát. Nghệ nhân Ngô Thị Pho là người có công rất lớn trong việc vực dậy làng nghề dệt chiếu Cà Hom - Bến Bạ, đến nay đã có trên 100 hộ sống được bằng nghề dệt chiếu và có hàng trăm lao động làm việc gián tiếp ở các khâu: Trồng lát, sơ chế nguyên liệu, pha màu…Mỗi năm làng chiếu Cà Hom - Bến Bạ cung cấp ra thị trường hàng trăm ngàn đôi chiếu các loại.  


Nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Xuân (người ngồi bên phải).


    Với những gì đã làm được trong hàng chục năm qua, nghệ nhân Ngô Thị Xuân, tức Ngô Thị Pho, Cô Hai Pho là một trong 06 nghệ nhân của tỉnh Trà Vinh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”


    Đến với làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân ngày nay, chúng ta không còn tìm được sản phẩm chiếu từ cây dang, cây nghệ nổi tiếng ngày nào, mà nó chỉ còn lưu lại đâu đó trong ký ức của những nghệ nhân một thuở đã gắn bó với làng nghề. Trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề dệt chiếu ở Hàm Tân cũng đang dần chuyển mình theo phương thức và công nghệ mới, từng bước được khép kín từ khâu nguyên liệu cây lát. Sợi ny lon, phẩm màu công nghiệp đã thay thế dây bố, dây tra, nước dang, nước nghệ. Hiện tại, làng nghề có 37 ha đất trồng lác trên đất lúa kém hiệu quả. Và cứ 1000 m2 đất trồng lát, sẽ cho ra khoảng 120 đôi chiếu lớn khổ 2 x 1,6 mét và 120-130 đôi chiếu khổ nhỏ 1 x 1,9 mét. Qua đó, đã góp phần rất lớn trong việc tạo ra nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân vùng nông thôn lúc nông nhàn với nghề dệt chiếu. Tuy nhiên, theo lãnh đạo chính quyền địa phương, để làng nghề phát triển bền vững, các ngành chức năng cần xem xét đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc thay cho làm bằng thủ công; giảm chi phí trong khâu vận chuyển; tìm  thị trường tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề….

                                                                                                        

                                                                                                                                Bài, ảnh: THANH PHONG
.
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 321
  • Trong tuần: 5 413
  • Tất cả: 6330875
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang