ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024)

Với truyền thống đấu tranh cách mạng, sự ghi nhớ và tôn vinh những cống hiến, hy sinh vô giá của thương binh, các anh hùng liệt sĩ và người có công với đất nước ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sự quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Hằng năm, cứ đến ngày 27/7 đồng bào cả nước nói chung và huyện Trà Cú nói riêng lại nhớ về những người đã quên mình vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Truyền thống đó đã được phát huy mạnh mẽ trong các giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

I. HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ:

1. Hoàn cảnh ra đời

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần “.... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.

Ngày 28-5-1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội để kêu gọi mọi người gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự.

Ngày 17-11-1946, cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong “Mùa đông binh sỹ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ” trong cả nước để giúp chiến sỹ trong mùa đông giá rét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và Người đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sỹ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19-12-1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sỹ, nhất là những chiến sỹ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều quyết định với những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sỹ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sỹ.

Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ “hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ.

Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sỹ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh Liệt sỹ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sỹ.

Tháng 7/1951 Hồ Chí Minh đề xuất chủ trương đón thương binh về làng rất phù hợp với hoàn cảnh nước ta trong kháng chiến chống Pháp. Tính đến năm 1954 từ khu IV trở ra, hàng vạn thương binh được đồng bào 515 xã đón về chăm sóc, phục hồi sức khỏe ổn định đời sống và công tác…

Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975 trở về sau, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” của cả nước.

Mỗi năm cứ đến “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” nhất là vào dịp kỷ niệm năm tròn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

2. Ý nghĩa

Ngày Thương binh Liệt sỹ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, đó là: 

- Thể hiện sự tiếp nối truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

- Tôn vinh các anh hùng, liệt sỹ, thương binh và người có công; khẳng định sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá. Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau.

- Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trân trọng đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sỹ đối với Tổ quốc; đồng thời cũng luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ cách mạng đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.

- Làm tốt công tác thương binh-liệt sĩ, chăm sóc những người có công với nước là sự thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân làm cơ sở giữ vững ổn định xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chống lại một cách có hiệu quả âm mưu chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

II. TRÀ CÚ THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ, GIA ĐÌNH VÀ NHỮNG NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI NƯỚC TRONG THỜI GIAN QUA:

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “nhân hậu thủy chung” của dân tộc. Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với nước: Đường lối chủ trương nhất quán, trước sau như một của Đảng ta đối với người có công đã được thể chế hóa về mặt Nhà nước cho phù hợp với tình hình cách mạng trong mỗi thời kỳ và từng giai đoạn cụ thể nhằm góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng tình cảm, đạo lý, nét đẹp mới trong đời sống xã hội của đất nước.

Trà Cú tuy là huyện khó khăn, nhưng cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong huyện rất quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước và đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng. Hiện nay, huyện Trà Cú có 11.351 người có công với cách mạng, trong đó: Bà mẹ VNAH 227 mẹ (còn sống 6 mẹ), 15 người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 (lão thành cách mạng), 41 người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước ngày tổng khởi nghĩa 25/8/1945 (tiền khởi nghĩa); 05 Anh hùng lực lượng vũ trang, 2 Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, 7.622 người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến (1.225 người hoạt động kháng chiến, 6.397 người có công với cách mạng), 368 người được tặng bằng khen trong kháng chiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ, Thủ tướng; 549 thương bệnh, binh; 363 thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp hàng tháng, 416 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 54 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 07 người Quân nhân kháng chiến chống Mỹ cứu nước 20 năm công tác và 1.684 liệt sĩ.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn huyện Trà Cú đã thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công. Triển khai phát động sâu rộng trong nhân dân thực hiện tốt việc “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Điển hình như các phong trào: Chăm lo nâng cao mức sống gia đình chính sách người có công với cách mạng; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa; hỗ trợ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng nhân dịp lễ, Tết Nguyên đán hằng năm. Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm khích lệ, động viên bù đắp một phần nhỏ so với sự hy sinh, cống hiến của các đối tượng chính sách người có công với cách mạng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, đề nghị tỉnh xét duyệt hưởng chế độ 56 hồ sơ (36 hồ sơ mai táng phí, 06 hồ sơ thờ cúng, 01 hồ sơ dụng cụ chỉnh hình, 05 hồ sơ ưu đãi giáo dục, 05 hồ sơ BHYT theo Quyết định số 290/2005/TTg, 02 hồ sơ BHYT theo Quyết định số 49/2015/TTg, 01 hồ sơ BHYT theo Quyết định số 62/2011/TTg).

Thăm, tặng quà cho 3.832 gia đình chính sách, người có công và thân nhân người có công với cách mạng với số tiền 1.685.200.000 đồng (kinh phí Trung ương 1.850 người, số tiền 559.200.000 đồng; kinh phí địa phương 1.982 người, số tiền 1.126.000.000 đồng). Huyện đã tổ chức thăm và tặng quà tết cho 3.818 người có công và thân nhân người có công với cách mạng với số tiền 1.746.200.000 đồng (kinh phí Trung ương 1.766 người, số tiền 534.000.000 đồng; kinh phí địa phương 2.052, số tiền 1.212.200.000 đồng); trong đó, huyện tổ chức thăm và tặng quà 54 gia đình chính sách, số tiền 54.000.000 đồng. Phối hợp với Tỉnh thăm và tặng quà 20 gia đình chính sách, số tiền 20.000.000 đồng. Chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức họp mặt gia đình chính sách nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 ngoài kinh phí (Trung ương, tỉnh, huyện) xã, thị trấn đã vận động tặng 1.434 phần quà cho gia đình có công cách mạng với số tiền 437.860.000 đồng.

Phối hợp các xã, thị trấn chọn 28 người có công và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng đi tham quan Thủ đô Hà nội theo Kế hoạch số 757/KH-SLĐTBXH ngày 09/03/2024 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhân dịp lễ 30/4, tổ chức thăm và tặng quà 10 gia đình chính sách bị thương, hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975, tổng số tiền 16.500.000 đồng (kinh phí của tỉnh 10.000.000 đồng, nguồn của huyện 6.500.000 đồng).

Chi trả trợ cấp thường xuyên cho 788 đối tượng người có công với cách mạng, tổng số tiền 9.410.463.000 đồng. Chi trả trợ cấp mai táng phí cho 27 đối tượng người có công với cách mạng với số tiền 545.175.000 đồng. Chi ưu đãi giáo dục cho 05 em, số tiền 34.545.000 đồng. Chi điều dưỡng tại gia đình cho 225 đối tượng người có công với cách mạng, số tiền 416.137.500 đồng. Cấp 2.658 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng người có công với cách mạng.

Hiện nay, 17/17 xã, thị trấn được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận làm tốt công tác chính sách người có công. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh một phần thân thể, anh dũng ngã xuống để tô thắm cho màu cờ của Tổ quốc, trong đó có đồng bào, cán bộ, chiến sĩ của huyện Trà Cú. Những đóng góp to lớn đó đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng Huân chương, Huy chương và bằng khen ghi nhận thành tích kháng chiến các loại.

III. NHỮNG NHIỆM VỤ, CÔNG TÁC THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ CHĂM SÓC CHO NGƯỜI CÓ CÔNG TRONG THỜI GIAN TỚI:

Đại hội đại biểu toàn quổc lần thứ XIII của Đảng khẳng định trong những năm tới, tiếp tục: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân...”. Để phát huy được những kết quả, thành tích đã đạt được trong suốt 77 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ giải pháp sau:

1. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nâng cao nhận thức về việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội.     

2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

3. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

4. Thúc đẩy cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước...

Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, để giúp những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước sớm khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống, cùng toàn dân, cùng đất nước phát triển đi lên. Đây là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Vì vậy việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tốt kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ và chăm sóc người có công là mang một ý nghĩa rất sâu sắc và thiết thực.                                                                                   

                                                                       BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY    

 

MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

 

1. Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024)!

2.Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ!  

3. Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thiết thực kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024)!

4. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng!

5. Nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”!   

6. Nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội!

7. Làm tốt công tác Thương binh - Liệt sĩ là trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, mỗi tổ chức và cá nhân!

8. Chăm lo thương bình, liệt sĩ, người có công là đạo lý, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam!

9. Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước!

10. Toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ!

11. Sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc xứng đáng với các bậc tiền nhân, với những người đã hết lòng hy sinh vì dân, vì nước!

12. Đảng, Nhà nước và Nhân dân đời đời nhớ ơn các anh hùng - liệt sĩ, thương binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!

----------

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 233
  • Trong tuần: 10 955
  • Tất cả: 6362676
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang