Trà Cú: Phát huy hiệu quả của các mô hình sản xuất nông nghiệp
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú: Thực hiện chuyển đổi đất sản xuất lúa, mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị và chuyên nuôi thủy sản. Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, nông dân các xã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ sản xuất mang lại hiệu quả cao. Các xã có diện tích chuyển đổi nhiều như: Lưu Nghiệp Anh, Kim Sơn, An Quảng Hữu, Ngọc Biên, Hàm Tân, Hàm Giang…Trong đó, chuyển diện tích mía kém hiệu quả sang trồng màu với các loại cây trồng là rau, củ, quả, bắp, đậu phộng và chuyên nuôi thủy sản.
 
Nông dân đang chăm sóc ruộng bắp nếp.

Nhờ thực hiện chuyển đổi đã giúp nông dân tăng đáng kể thu nhập như: Từ trồng màu, đậu phộng, ớt, bắp, bí đỏ…với mức lợi nhuận đạt từ 30-120 triệu đồng/ha. Các mô hình chuyển đổi trên đã bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Những mô hình trên có khả năng nhân rộng nếu được chú trọng các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn các xã.

Tại xã Hàm Giang, mô hình trồng bí đỏ có cam kết tiêu thụ sản phẩm của một doanh nghiệp từ thành phố Vĩnh Long, đã giúp cho hàng trăm hộ dân của xã có được nguồn thu nhập ổn định. Ông Đông Minh Hoàng, ấp Nhuệ Tứ B cho biết: Vụ bí đỏ năm nay, gia đình trồng hơn 07 công bí đỏ. Đây là năm thứ tư liên tiếp, cây bí đỏ được xem là cây trồng chủ lực của gia đình, của người dân ấp Nhuệ Tứ B. Ông Hoàng nhẫm tính: Trung bình mỗi công bí đỏ trồng được 1.300 dây, mỗi dây người dân để ba trái, với giống bí trái dài hiệu Đồng tiền vàng này mỗi trái đạt trọng lượng từ 01 kg trở lên, năng suất mỗi công khoảng 03 tấn trái, với giá bao tiêu 5.500 đồng/kg, người trồng thu được 16,5 triệu đồng. Trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, chi phí tưới nước, công chăm sóc, mỗi công bí đỏ nông dân đạt lợi nhuận từ 06 triệu đồng, sau 60-65 ngày trồng. Đó là chưa kể phần bông bí, đọt bí cũng cho thu nhập từ 02-03 triệu đồng/công. Theo UBND xã Hàm Giang, vụ màu đông-xuân năm 2019-2020, nông dân hai ấp Nhuệ Tứ A, Nhuệ Tứ B gieo trồng được 47 ha bí đỏ. Cây bí đỏ đã được mở rộng ra hơn 10 ha so với năm trước, nhờ vào giá cả, năng suất ổn định.

Nông dân Hàm Giang thu hoạch bông bí.

Còn tại xã Ngọc Biên, thủ phủ của cây màu trên đất vùng ruột của huyện Trà Cú, hằng năm cây đậu phộng, bắp giống, ớt chỉ thiên đã phủ xanh các cánh đồng thuộc 6/7 ấp của xã. Ông Thạch Quanh Tha, Viên chức Nông nghiệp xã Ngọc Biên cho biết: Nhờ được đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm, mà vụ màu đông-xuân vừa qua nông dân trong xã trúng lớn vụ đậu phộng. Chỉ với giá bán 12.000 đ/kg, nông dân đạt lợi nhuận từ 50-55 triệu đồng/ha sau 75-80 ngày trồng. Cây đậu phộng được nông dân các ấp Sà Vần A, Giồng Cao, Tắc Hố, Rạch Bót, Tha La…xem là cây trồng chính của vụ màu đông-xuân.

Ông Trần Văn Đồng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết: Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hằng năm, nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình đã được các nơi thực hiện có hiệu quả, các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, đây là tiêu chí để lựa chọn mô hình đầu tư, nhất là các cây trồng mới, mang lại giá trị cao từ năm 2017 đến 2019, cơ quan chuyên môn đã xây dựng được 19 mô hình gồm: Giống mía mới KK3 với ứng dụng công nghệ cao ở hai xã trọng điểm mía là An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh; mô hình lúa hữu cơ xen nuôi thủy sản ở hai xã Đại An, Định An; mô hình trồng gấc trên đất giồng tạp, vườn tạp; mô hình lúa - tôm ở xã Hàm Tân; mô hình sản xuất lúa an toàn sinh học ở xã Phước Hưng…

Các mô hình được đánh giá cao về hiệu quả, cũng như lợi nhuận, nhất là phù hợp trong diều kiện sản xuất thời tiết biến đổi như hiện nay. Sức sống của các mô hình được thể hiện qua cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng vùng, góp phần thúc đẩy giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp. Cụ thể cuối năm 2019, giá trị tăng thêm toàn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao từ 3,3% so cùng kỳ và nâng giá trị sản xuất toàn ngành lên 4.218,9 tỷ đồng, tăng 448,9 tỷ đồng so với năm 2018. Hiện nay, các xã, thị trấn xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch phát liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra đối với mô hình đậu phộng, ớt chỉ thiên, lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, mía, khoai môn…trên địa bàn các xã Phước Hưng, Tân Sơn, Tập Sơn, Lưu Nghiệp Anh, Ngãi Xuyên, Tân Hiệp, Long Hiệp, Thanh Sơn, Đại An, Ngọc Biên.

Nhờ chú trọng chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang các hình thức sản xuất hiệu quả, có giá trị kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất nông nghiệp lên 125 triệu đồng/năm. Trong đó, sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái và xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường được chú trọng đầu tư, phát triển; hình thành các vùng sản xuất có quy mô, diện tích cao như cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh và các hình thức sản xuất theo hướng phát triển hàng hóa, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp. Thực hiện tốt công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, cống đầu mối, trạm bơm gắn gia cố các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu phòng, chống khô hạn, triều cường, xâm nhập.

Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình và chuyển đổi sản xuất hiện nay của nông dân trên địa bàn huyện thiếu ổn định, bền vững. Hầu hết sản xuất chỉ mang tính tự phát, thiếu các cam kết, liên kết tiêu thụ sản phẩm, nên việc được mùa, mất giá cứ lặp đi, lặp lại gây thiệt hại nặng cho sản xuất như cây mía, cây lúa, cây màu…Vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay chưa phát huy hiệu quả là đầu tàu trong đầu tư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thành viên hợp tác xã, nên hầu hết sản xuất của người dân gặp khó. Từ đó, dẫn đến hiệu quả sản xuất của bà con người dân không cao. Mặt khác, hạ tầng cơ sở yếu như: thiếu điện, thiếu nước tưới đồng bộ làm gia tăng chi phí sản xuất cho nông dân, làm giảm đáng kể hiệu quả của chuyển đổi.

Bài, ảnh:  Hồng Phúc                                 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 221
  • Trong tuần: 2 300
  • Tất cả: 6332854
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang