Nhiều kết quả đạt được sau hơn 02 năm triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch huyện Trà Cú
Trà Cú là vùng đất có truyền thống cách mạng gắn liền với các mốc lịch sử trong kháng chiến chống ngoại xâm với các di tích: Di tích lịch sử căn cứ cách mạng chùa Long Thành, Di tích lịch sử cách mạng chùa Bãy Xào Giữa, Di tích lịch sử cách mạng chùa Long Trường, Di tích lịch sử cách mạng chùa Chông Bát (được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh), Di tích khảo cổ học Óc Eo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia và danh lam thắng cảnh nổi tiếng miền Tây; chùa Cò, chùa Phật nằm lớn nhất Nam Bộ (chùa Vàm Ray), cùng kiến trúc độc đáo của các ngôi chùa Nam Tông, Bắc Tông cổ kính và Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia loại hình nghệ thuật trình diễn Dân gian Chầmriêng Chàpây….là một điểm đến hấp dẫn cho mọi du khách. Để khai thác các tiềm năng đó nhằm phát triển du lịch của huyện, trong những năm qua, huyện Trà Cú phát huy mọi nguồn lực; đồng thời, kết hợp với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương; Ban Quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (SME); các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tiếp tục xây dựng các cơ sở hạ tầng, phát triển các làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực như: dệt chiếu, đan đát, bột nưa, bún nước lèo, cốm dẹp, nước thốt nốt, đường cát trắng, các sản phẩm khô…, đặc biệt là công tác bảo tồn, bảo tàng ở các di tích lịch sử cách mạng...nhằm từng bước tiến tới khai thác phát triển ngành kinh tế du lịch tâm linh của huyện.
Nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm tại di tích Lưu Cừ II.

Theo ông Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, cố vấn Ban Quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh cho biết, về thế mạnh của du lịch Trà Cú đây là một trong những huyện mang đậm bản sắc của người Khmer, có nghiều ngôi chùa Nam tông bảo tồn nét văn hóa, sinh hoạt truyền thống của người dân nơi đây, các điểm điêu khắc thủ công từ rể cây; nằm cạnh sông Hậu và tiếp giáp với tỉnh Sóc Trăng thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sông nước…

Những năm qua, Huyện ủy Trà Cú đã ban hành Kế hoạch số 77-KH/HU, ngày 07/8/2017 về phát triển du lịch huyện đến năm 2030 nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 48-KH/TU, ngày 16/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND, ngày 3010/2017 về việc thực hiện Kế hoạch số 77-KH/HU, ngày 07/8/2017 của Huyện ủy về phát triển du lịch huyện Trà Cú đến năm 2030; trong đó, có đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển du lịch trên địa bàn huyện Trà Cú.  

Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo thực hiện có hiệu quả, ngày 11/7/2018 HĐND tỉnh Trà Vinh đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 70/2018/NQ-HĐND để hỗ trợ toàn diện cho các hoạt động đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 91/2019/NQ-HĐND, ngày 12/7/2019 sửa đổi một số khoản của Điều 4 Nghị quyết số 70/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 về chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018-2020.

Cơ sở kinh doanh mặt nạ nghệ thuật truyền thống của ông Kim Mạnh, ấp Trà Lés,xã Thanh Sơn.

Nghị quyết như đã mở lối, đồng thời tạo ra một hướng đi mới cho các hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế trong lĩnh vực phục vụ khách tham quan du lịch trên địa bàn huyện. Sau khi triển khai thực hiện nghị quyết đã dần lan tỏa và đi vào cuộc sống, được đông đảo hộ kinh doanh đồng tình hưởng ứng; đến nay, huyện đã ghi nhận nhiều sự chuyển biến tích cực về tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho 20 hộ dân có nhu cầu tham gia thực hiện các hoạt động dịch vụ du lịch; cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ khách tham quan du lịch từ dự án SME hiện nay đã hoàn thành và đưa vào phục vụ khách tham quan du lịch, đó là cơ sở may trang phục truyền thống Khmer của ông Kim Ngọc Song tại ấp Thanh Xuyên, xã Kim Sơn; cơ sở kinh doanh mặt nạ nghệ thuật truyền thống của ông Kim Mạnh, ấp Trà Lés, xã Thanh Sơn và cơ sở trưng bày đặc sản quê Cô Diễm tại ấp Chợ, xã Hàm Giang; hiện nay, toàn huyện Trà Cú có 08 nhà nghỉ, 39 nhà trọ với tổng số phòng là 289 phòng; nhà hàng ẩm thực Rithy thuộc khóm 7, thị trấn Định An phục vụ các món ăn mang đặc trưng của người Khmer, kết hợp nhu cầu tham quan của du khách và từng bước hướng dần đến việc hình thành việc cung ứng dịch vụ lưu trú (homestay). Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tiếp tục định hướng phát triển thêm mô hình dịch vụ lưu trú du lịch tại nhà dân (homestay) cho các hộ dân của 03 xã Kim Sơn, Thanh Sơn và Đại An.

Cô Tải Thúy Diễm, chủ cở sở đặc sản quê ấp Chợ, xã Hàm Giang cho biết, trước đây gia đình sản xuất các loại bánh theo hình thức nhỏ lẽ, trong năm 2019 gia đình được Nhà nước cụ thể là dự án SME tỉnh Trà Vinh hỗ trợ cho 85 triệu xây dựng điểm dừng chân phục vụ cho hơn 60 lượt khách đến tham quan, với các món đặc sản như: bánh bầu, chè thốt nốt và các loại rau câu dừa…

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung hệ thống dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu cho khách tham quan du lịch trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế chưa được đầu tư khai thác một cách triệt để, có hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao…

Bà Huỳnh Bích Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú định hướng một số giải pháp phát triển du lịch của huyện trong năm 2020 và những năm tiếp theo như: Tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị cũng như người dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển du lịch; tuyên truyền và giới thiệu đến du khách về các điểm di tích, lịch sử văn hóa, cách mạng, các lễ hội, làng nghề truyền thống và ẩm thực đặc trưng của địa phương; tăng cường các hoạt động quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng; liên kết, kết nối các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh; tiếp tục huy động vốn xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước hình thành dịch vụ Homestay, điểm dừng chân, hình thành điểm trải nghiệm cho du khách..., để từng bước thu hút số lượng khách trong và ngoài tỉnh đến với Trà Cú. Qua đó, nhằm đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp lớn cho việc phát triển kinh tế của địa phương, góp phần tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Mặt khác, có được sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng thành công thương hiệu của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và có sự đồng hành của cấp ủy chính quyền địa phương sẽ là một động lực quan trọng cho phát triển du lịch huyện Trà Cú trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Huỳnh Hận

 

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 123
  • Trong tuần: 2 202
  • Tất cả: 6332756
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang