Mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo bền vững” của Chi bộ ấp Trà Sất C
Chi bộ ấp Trà Sất C thuộc Đảng ủy xã Long Hiệp có tổng số 27 đảng viên, trong đó đảng viên nữ 04, dân tộc Khmer 24. Toàn ấp có 283 hộ, 1.155 nhân khẩu, trong đó dân tộc Khmer chiếm 82%. Kinh tế của ấp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đa phần là cây lúa và chăn nuôi; trình độ dân trí không đều; lao động có tay nghề và qua đào tạo còn ít, do đó thu nhập của người dân còn ở mức thấp, cuộc sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Ấp có tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao so với bình quân chung của xã.
Thành viên “Tổ tự quản giảm nghèo” ấp Trà Sất C, xã Long Hiệp góp vốn xoay vòng.

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của cấp trên về vốn sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi của ấp dần hoàn thiện, nhờ đó giá cả các mặt hàng nông sản cũng được nâng cao hơn, thu nhập của người dân được cải thiện, thúc đẩy kinh tế phát triển, đã tác động đến công tác giảm nghèo của ấp. Nhìn chung, trong công tác giảm nghèo của ấp tuy có hiệu quả nhưng chưa tạo được mô hình nổi bật về công tác giảm nghèo, có hộ đạt điều kiện thoát nghèo năm trước, năm sau do làm ăn không hiệu quả lại rơi vào tái nghèo. Xuất phát từ thực tế đó, yêu cầu phải có mô hình giảm nghèo không những hiệu quả còn đòi hỏi phải có tính bền vững. Được sự chỉ đạo của Đảng ủy xã về việc đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào Nghị quyết của Chi bộ hằng năm, Chi bộ ấp Trà Sất C đã thường xuyên tổ chức cho đảng viên và hội viên các đoàn thể ấp học tập về nội dung các chuyên đề hằng năm; đồng thời, đề ra một số mô hình làm theo và được tập thể chi bộ thống nhất chọn mô hình“Tổ tự quản giảm nghèo bền vững” để đăng ký làm mô hình thực hiện tại địa phương.

Tổ tự quản giảm nghèo bền vững ấp Trà Sất C được thành lập với 25 thành viên; trong đó, 08 hộ nghèo, 09 hộ cận nghèo, 05 hộ mới thoát nghèo, 03 hộ cộng đồng tham gia. Cơ cấu hoạt động 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó và còn lại là thành viên. Tổ hoạt động với hình thức định kỳ vào lúc 13h30 phút, ngày 27 hàng tháng tại trụ sở Ban nhân dân ấp. Tổ tiến hành sinh hoạt định kỳ với các nội dung như: Thông tin thời sự, pháp luật, báo cáo kết quả đạt được tháng qua, thông tin các mô hình làm ăn có hiệu quả từ các địa phương khác, các gương điển hình tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, gương người tốt việc tốt để các tổ viên nắm và lựa chọn mô hình khả thi, phù hợp với tổ, với hộ. Bên cạnh đó, trong các cuộc họp tổ, Chi bộ luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống các tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, phòng, chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nâng cao ý thức, nhận thức cho các thành viên nói chung, hộ nghèo nói riêng luôn chăm chỉ làm ăn, xóa bỏ tư tưởng, trông chờ, ỷ lại nêu cao ý chí quyết tâm thoát nghèo bền vững.

Thực hiện quy ước hoạt động của tổ, hàng tháng mỗi thành viên tham gia đóng góp thực hiện vốn xoay vòng 100.000đ/tổ viên, tổng số tiền 2.500.000đ/tháng, sẽ bốc thăm chọn ra người nhận để sử dụng trang trải, giải quyết khó khăn trước mắt. Tuy số tiền không lớn nhưng các tổ viên đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả từ việc làm cụ thể như: Bổ sung thức ăn dinh dưỡng trong nuôi bò, mua vật tư sản xuất nông nghiệp, mua bán nhỏ…Hàng tháng, mỗi tổ viên đóng quỹ của tổ 10.000 đồng, đến nay được 6.250.000 đồng và được mạnh thường quân hỗ trợ 1.167.000 đồng, nâng lên 5.917.000 đồng. Số tiền này được sử dụng vào mục đích thăm hỏi những gia đình tổ viên có người đau yếu, bệnh tật và các hoạt động chung của tổ.

Với kết quả hoạt động của tổ thông qua các phương án phát triển kinh tế hộ, đến nay tổ được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho 39 lượt hộ là thành viên của tổ với tổng số tiền 1.017.500.000 đồng. Nhìn chung, các thành viên được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, đúng phương án đã đăng ký và đạt hiệu quả. Năm 2018, được Ủy ban nhân dân xã, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội , Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Trà Vinh (nay là Khoa Dân tộc Nội trú Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh) mở 01 lớp dạy nghề về kỹ thuật xây dựng tại ấp cho 28 học viên, trong đó có 11 thành viên của tổ tham gia học tập. Sau khi được đào tạo 11/11 tổ viên đều có nghề nghiệp ổn định, có thu nhập tăng lên so với trước đây. Điển hình là Tổ viên Danh Văn Lợi sau khi được đào tạo nghề đã tự nhận thi công các công trình như: nhà ở, chuồng trại, hàng rào, nhà vệ sinh của các hộ gia đình tai địa phương, vừa giúp tăng thu nhập cho gia đình vừa tạo việc làm cho 04 lao động khác. Ngoài ra, tổ còn vận động được 04 thanh niên là con em của thành viên trong tổ tham gia đăng ký đi lao động có thời hạn tại Nhật Bản, đến nay đã có 03 thanh niên sang Nhật Bản nhận việc làm, 01 em đang học tiếng Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh.

Qua công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2017, 2018, 2019 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tổ tự quản giảm nghèo ấp có 08/08 hộ thoát nghèo đạt 100% (năm 2017 thoát 05/08 hộ, năm 2018 thoát 02/03 hộ, năm 2019 thoát 01/01 hộ).

Mô hình tổ tự quản giảm nghèo bền vững không những có tác động tích cực đối với công tác giảm nghèo mà còn có tác động tích cực về mặt xã hội. Ý thức tham gia thực hiện các phong trào ở địa phương của các thành viên được nâng lên rõ rệt thể hiện bằng những việc làm cụ thể như: tham gia cùng địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Trung Tuấn-Ban Tuyên giáo Huyện ủy

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 1 411
  • Tất cả: 6333723
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang