Đánh thức tiềm năng Rồng
Ông Trần Công Đức có mặt từ những ngày đầu thành lập xã Định An cho biết: Năm 1983, anh Hai Cần (Đồng chí Triệu Văn Bé, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên - Môi trường) lúc đó là Bí thư Huyện ủy Trà Cú, trong một chuyến công tác về vùng căn cứ Cách mạng ở ấp Cá Lóc, xã Đại An, đứng trên một đổng cát cao, chỉ tay về phía Vàm Kênh Láng Sắt cho biết: Từ phía này nhìn ra cửa biển Định An, vùng đất này như một cái đầu Rồng há hốc miệng vươn ra biển Đông như muốn nuốt trọn những sản vật quý giá mà biển cả ban tặng vào lòng mình.
Anh-tin-bai

Tàu cặp bến Cảng cá Định An

Ông Trần Công Đức cho biết thêm, sau chuyến thị sát đó một hai năm sau, một con kênh Xáng thổi dài 359 m, chiều rộng 66 m được hình thành, mở ra hướng phát triển cho vùng đất gánh bão đạn, mưa bom một thời.  Ông bà ta có câu “Đất lành chim đậu” chẳng sai, từ khi bến cá Định An với tên gọi địa phương là Làng cá được hình thành, những ngư dân cuộc đời gắn bó với biển cả ở các tỉnh, cùng với dân đi biển địa phương tụ hội về đây, biến một vùng đất hoang sơ chưa ai biết, trở thành một thị tứ bên bờ sông Hậu có tốc độ phát triển nhanh nhất của tỉnh Trà Vinh.

Ông Trần Thanh Dân, thị trấn Định An nhớ lại: Ngày 01 tháng 8 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2008/NĐ-CP về việc thành lập thị trấn Định An trên cơ sở điều chỉnh 403,86 ha diện tích tự nhiên và 5.444 nhân khẩu của xã Định An. Về vị trí địa lý thị trấn Định An nằm ở phía Nam của huyện Trà Cú, phía Đông giáp xã Đại An, phía Tây giáp xã Định An, phía Nam giáp huyện Duyên Hải và phía Bắc giáp xã Đại An và xã Định An. Thị trấn Định An có diện tích 4,04 km², dân số năm 2019 là 4.139 người, mật độ dân số đạt 1.025 người/km². Thị trấn Định An được chia thành 4 khóm: 1, 3, 5, 7 theo Nghị quyết số 157/NQ-HĐND, ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh.

Ông Trần Thanh Dân, thị trấn Định An cho biết: Thị trấn Định An hôm nay, trước đây là vùng căn cứ của Cách mạng. Đây là vùng đất này toàn đước, vẹt, mắm và bần. Chính các cánh rừng này góp phần nuôi chứa cán bộ, là nơi Bộ đội dừng chân nghỉ quân sau các trận công đồn. Do là vùng đất có nhiều chiến tích trong kháng chiến, nên được huyện Trà Cú chọn và quy hoạch phát triển thành khu đô thị mới ven sông Hậu, với ưu thế phát triển kinh tế biển cùng các dịch vụ hậu cần nghề cá. Đặc biệt, từ khi thành lập năm 2008 đến 2023, thị trấn Định An trở thành một trong những đô thị ven biển có sức phát triển nhanh của cả khu vực. 

Con đường dẫn về thị trấn Định An hôm nay trong những ngày tháng 5 hai bên đường dẫn về trung tâm thị trấn trải thêm nhiều cánh hoa khoe sắc trong nắng sớm. Những ngôi nhà khang trang như báo hiệu sự sung túc của người dân thị trấn hôm nay như tô thêm một sự chuyển mình vươn xa của khu đô thị ven sông Hậu.

Ông Trang Văn Ngào, Chủ tịch UBND thị trấn Định An cho biết: Từ khi thành lập đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn Định An năm sau cao hơn năm trước. Năm 2023, là một thành công lớn cho người dân thị trấn, đặc biệt là năm kinh tế - xã hội của thị trấn Định An tiếp tục tăng trưởng, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 77,87 triệu đồng/người/năm, tăng 14,02 triệu đồng so năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo theo điều tra mới nhất còn 10 hộ, chiếm tỷ lệ 0,92% dân số.

Cảng cá Định An những ngày tháng 5 hàng trăm chiếc tàu đánh cá của các tỉnh Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang về trao đổi hàng, mua sắm các vật dụng chuẩn bị cho các cuộc hành trình dài ngày trên biển. Nhìn những con tàu dãi dầu sương gió, mang vị mặn của biển mới thấy được sự vất vả của nghề biển. Những anh bạn ghe (lao động nghề biển) bắp tay cuồn cuộn, nước da nám đen vì nắng gió, biển khơi đang thoăn thoát các thao tác đưa các vật tư lên tàu, nhanh và hối hả cho kịp giờ xuất bến vươn khơi, làm cho đoạn kênh xáng của Cảng cá Định An như chật chội; hoạt động mua bán thủy, hải sản diễn ra nhộn nhịp. Tiếng gọi nhau, kèm theo tiếng nô đùa trong lúc bốc dỡ hàng, tạo một không gian sôi động của miền quê biển.        

Từ khi có quyết định thành lập thị trấn Định An đến nay, thị trấn luôn xác định mũi nhọn trọng tâm của kinh tế thị trấn là khai thác thủy, hải sản, gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, từ khi Cảng cá Định An được đầu tư cầu cảng, kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão thì lượng tàu thuyền khai thác thủy, hải sản ra vào Cảng tăng lên đáng kể. Toàn thị trấn có 181 tàu cá khai thác thủy, hải sản. Trong đó, có 78 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đang hoạt động được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong khai thác đánh bắt xa bờ. Không chỉ tăng về số lượng mà công suất của tàu tăng gấp hai, gấp ba, để đảm bảo khai thác dài ngày trên biển, cùng với đội ngũ tàu hậu cần dịch vụ nghề cá giúp cho khai thác đánh bắt thủy, hải sản của thị trấn tăng lên đáng kể. 

Anh-tin-bai

Cảng cá Định An về chiều

Cảng cá Định An được nhiều tàu khai thác thủy, hải sản các tỉnh ghé vào tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các vật tư chuẩn bị cho ra khơi tiếp theo nhờ vào ưu thế tàu ra vào cảng thuận lợi dù ngày hay đêm, sản phẩm đánh bắt khai thác tiêu thụ nhanh và có giá tốt. Đây là ưu thế lớn nhất so với các cảng khu vực khác. Thủ tục nhanh gọn, an ninh tốt và giá cả thuận lợi cùng các dịch vụ hậu cần phù hợp cho ngư dân, nên nhiều chủ tàu thích chọn Cảng cá Định An hơn những bến khác. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là bến nhỏ, luồng lạch bị bồi lắng nhiều, gây cản trở các tàu khai thác có công suất lớn vào ra lên hàng hoặc nhận vật tư. Do đó, dự án nạo vét luồng Cảng cá đang triển khai sẽ tác động tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một đô thị trẻ bên bờ sông Hậu.

Theo Quyết định số 2378/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh về Đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh theo hướng bền vững đến năm 2030, Cảng cá Định An sẽ được đầu tư nâng cấp và mở rộng dịch vụ trở thành cảng cá loại I của tỉnh, với năng lực tiếp nhận luân chuyển 25.000 tấn hàng hóa qua Cảng mỗi năm. Từ đó, việc thành lập, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã hậu cần nghề cá trên biển để thu mua, tiêu thụ, chế biến hải sản theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị hải sản đánh bắt, đồng thời cung cấp hậu cần thiết yếu giúp các đội tàu bám biển dài ngày. Xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án nhà máy chế biến thủy sản có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tiến tới phát triển công nghiệp chế biến, hoàn thiện chuỗi giá trị thủy sản. 

Theo quy hoạch cảng biển Việt Nam, Cảng cá Định An sớm sẽ trở thành một cảng trung chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa, gắn với một khu công nghiệp chế biến thủy hải sản chất lượng cao, cùng khu dân cư sầm uất trong giai đoạn tới. Hy vọng rằng, với tầm nhìn chiến lược, cùng kế hoạch phát triển cụ thể, trong tương lai, tiềm năng, thế mạnh của thị trấn ven sông Hậu sẽ được khai thác, trở thành đô thị phát triển trong một tương lai không xa. Đánh thức sức mạnh lợi thế của một đô thị ven biển./.

 

Bài ảnh: HỒNG PHÚC
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 26
  • Trong tuần: 1 744
  • Tất cả: 6349090
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRÀ CÚ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Trà Cú, Thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3874070 - Fax: 0294.3874512 Email: bbtwebsite.tracu@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang Thông tin điện tử huyện Trà Cú" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang